Phát biểu về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại hội nghị ngày 1/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ “Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị”.
Quả thực, về khoa học tổ chức thì mục tiêu quan trọng nhất của việc tinh gọn là nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy, nếu không đạt được mục tiêu này thì tinh gọn sẽ rơi vào sáp nhập, cắt giảm một cách đơn thuần. Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề bộ máy hành chính có xu hướng ngày càng “phình to”, cồng kềnh, nhiều tầng nấc…, vì vậy yêu cầu tinh gọn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy đặt ra rất cấp bách. Đơn cử Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng chúng ta thấy rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã thành lập cơ quan mới là “bộ hiệu quả chính phủ”, đặt dưới sự lãnh đạo của hai doanh nhân Elon Musk và Vivek Ramaswamy, để cắt giảm thủ tục hành chính ở quy mô liên bang, bãi bỏ các quy định bất hợp lý, và tiết kiệm chi tiêu công.
Tại Nhật Bản, nơi tôi theo học và sinh sống, làm việc nhiều năm qua, quá trình tái cấu trúc, hợp lý hóa các bộ và cơ quan Chính phủ Trung ương cũng như tăng cường chức năng của nội các đã diễn ra từ năm 1999. Quá trình này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, và một trong số đó là tái cơ cấu các bộ nhằm phá vỡ ngăn cách và tinh gọn bộ máy, 23 tổ chức cấp bộ được cơ cấu lại thành một văn phòng (Văn phòng Nội các) và 12 tổ chức cấp bộ.
Ngày mới qua Nhật, khi lần đầu tiên làm thủ tục nhập cảnh dành cho người lưu trú dài hạn, tôi phải xếp hàng dài gần hai tiếng đồng hồ. Đã quen với việc chờ đợi khi sử dụng các dịch vụ công tại Việt Nam, việc xếp hàng không quá bất ngờ với tôi. Tôi từng nghĩ quá trình này là không thể tránh khỏi, đặc biệt tại các quốc gia với dân số lớn hơn 100 triệu người. Tuy vậy, chính phủ Nhật, chỉ với 2 chiếc thẻ bao gồm Thẻ Ngoại Kiều (Residence Card) và thẻ My Number Card (Thẻ định danh cá nhân) – đã thay đổi suy nghĩ của tôi. Tất cả mọi người đều được cấp một mã số định danh cá nhân, và hầu hết các dịch vụ công đều được tích hợp qua tấm thẻ này, từ dịch vụ tài chính, bảo hiểm đến chăm sóc sức khỏe. Nhiều năm ở Nhật lần tôi phải xếp hàng lâu nhất và duy nhất chính là lần làm thủ tục nhập cảnh dành cho người lưu trú dài hạn kể trên.
Không chỉ tái cấu trúc mạnh mẽ bộ máy mà Nhật Bản còn rất chú trọng đến chuyển đổi số thủ tục hành chính, giảm thiểu các bước trung gian và cải thiện tính hiệu quả trong công việc. Với thế mạnh về tiềm lực kinh tế và cơ sở hạ tầng viễn thông, chính phủ Nhật đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt công việc thủ công, tự động hóa các quy trình xử lý hồ sơ, từ đó giảm bớt khối lượng công việc cho công chức, đồng thời tăng cường sự minh bạch và tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, tại Nhật Bản, tôi nhận thấy một trong những yếu tố quan trọng giúp đất nước phát triển là việc áp dụng hệ thống tuyển dụng công chức rất chặt chẽ và minh bạch. Khi tôi còn đang nghiên cứu ở giảng đường đại học, hàng năm vào những đợt tốt nghiệp tháng 4 và tháng 10, băng rôn và biển hiệu thông báo tuyển viên chức được treo khắp nơi trong khuôn viên đại học Osaka.
Các tân cử nhân được tuyển vào bộ máy hành chính phải vượt qua nhiều kỳ thi cạnh tranh khốc liệt, đảm bảo rằng chỉ những người có năng lực và phẩm chất tốt nhất mới có thể gia nhập cơ quan nhà nước. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng tuyển dụng không đúng người, đồng thời tạo ra một đội ngũ công chức có chuyên môn vững vàng và tinh thần làm việc cao.
Một số quốc gia châu Âu như Anh và Đức cũng là những điển hình trong việc cải cách hành chính và tinh giản biên chế công. Các quốc gia này không chỉ tập trung vào việc giảm số lượng biên chế mà còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và năng lực của đội ngũ công chức.
Ở Anh, Chính phủ đã thực hiện chiến lược “Government Digital Service” (GDS) từ năm 2011, nhằm cải cách các dịch vụ công qua chuyển đổi số và tự động hóa quy trình công việc. Kết quả là Anh đã tiết kiệm được hơn 1 tỷ bảng trong giai đoạn 2012-2017 nhờ vào việc tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết.
Tương tự, Đức đã thực hiện một loạt các cải cách trong bộ máy công quyền nhằm giảm bớt sự chồng chéo và lãng phí trong các cơ quan nhà nước. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Đức, trong giai đoạn 2000-2010, nước này đã giảm được hơn 200.000 công chức trong khi vẫn duy trì được chất lượng dịch vụ công, nhờ vào sự tối ưu hóa quy trình và ứng dụng công nghệ thông tin.
Từ các bài học quốc tế, có thể rút ra một số giải pháp quan trọng cho Việt Nam trong quá trình tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế công.
Thứ nhất, việc cải cách bộ máy hành chính cần phải bắt đầu từ việc rà soát lại các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, từ đó xác định rõ những bộ phận, vị trí nào cần thiết và những bộ phận nào có thể giảm bớt hoặc chuyển giao cho khu vực tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ.
Thứ hai, theo góc nhìn phát triển bền vững, các thể chế công mạnh mẽ bao gồm đội ngũ công chức có năng lực, là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 (gồm 17 mục tiêu như xóa nghèo, giáo dục có chất lượng, bình đẳng giới…). Việc giảm biên chế công chức vô hình trung có thể làm suy giảm khả năng của các cơ quan công quyền trong việc cung cấp dịch vụ thiết yếu, từ đó làm chậm tiến trình thực hiện các SDGs. Do đó, chính phủ nên ưu tiên đầu tư vào đào tạo và phát triển đội ngũ công chức có tư duy bền vững, để họ có thể đóng góp hiệu quả vào sự phát triển lâu dài.
Thứ ba, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hành chính, giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp và tăng cường sự minh bạch trong công việc. Trong khi công nghệ số có thể giúp nâng cao năng suất trong việc cung cấp dịch vụ công, việc đáp ứng yêu cầu về tính phổ cập và không để ai bị bỏ lại phía sau cũng đóng vai trò quan trọng.
Cuối cùng, yếu tố tiên quyết trong sự thành công của kế hoạch tinh gọn bộ máy là vai trò và niềm tin của người dân đối với chính phủ. Việc này phụ thuộc phần lớn vào sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính, đi đôi với sự minh bạch của bộ máy công quyền. Xét cho cùng, rất nhiều thủ tục hành chính công là một loại dịch vụ, và đã là dịch vụ thì người dân có quyền yêu cầu cao cả về chất lượng lẫn thái độ.
Tác giả: Phạm Tâm Long là tiến sĩ về Phát triển bền vững trong Quản trị Kinh doanh tại Đại học Osaka, Nhật Bản; hiện là giảng viên tại Trường quản trị Quốc tế – Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản. Lĩnh vực nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Tâm Long là các vấn đề về Quản trị bền vững trong doanh nghiệp và Quản lý các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/tam-diem/tinh-gon-to-chuc-bo-may-tao-su-thay-doi-ve-chat-20241202062439692.htm