Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp phần 2 cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phúc, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp.

Dễ mắc bệnh chủ quan, ỷ lại cho Đảng quyết định

Như ông đã nói phần trước Quốc hội cần tăng tỷ lệ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ngoài Đảng và ĐBQH tự ứng cử. Đây cũng là điều Quốc hội có chủ trương trong nhiều năm qua để bảo đảm có được tỉ lệ nhất định ĐBQH ngoài Đảng, khuyến khích các ĐBQH tự ứng cử. Theo ông, hàm ý của chủ trương này là gì?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Khi bảo đảm được cơ cấu, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng trong Quốc hội sẽ giúp giảm tính chủ quan, tăng tính khách quan, tính dân chủ, tính thuyết phục trong hoạt động của Quốc hội.

Trên thực tế, một số cơ quan, tổ chức và Đảng viên của Đảng ta ỷ lại việc Đảng lãnh đạo và cầm quyền nên mắc bệnh chủ quan, lấy cớ đã có chủ trương của Đảng rồi, nên đã trình Quốc hội xem xét, thông qua một số dự án Luật, dự thảo nghị quyết không bảo đảm đúng thời gian, quy trình và tính thuyết phục không cao. 

Việc đó không đúng với tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, đó là chủ trương của Đảng như thế nhưng Chính phủ và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phải chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ví dụ, năm 2010, Bộ Chính trị có chủ trương xây dựng Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM và giao các cơ quan có thẩm quyền phải chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Khi đưa ra Quốc hội thì đa số đại biểu bác Dự án này. Các ĐBQH, trong đó hầu hết là Đảng viên không bác chủ trương của Bộ Chính trị mà chính là bác việc chuẩn bị của các cơ quan có thẩm quyền chưa bài bản, chưa thuyết phục.

Ông Nguyễn Văn Phúc: Cử tri, công chúng đánh giá, nhận xét Quốc hội của chúng ta hiện nay có cơ cấu, thành phần chưa thật hợp lý. Ảnh: Nhadautu

Trong thời gian công tác ở Quốc hội, chúng tôi luôn luôn được yêu cầu phải tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến, tiếp thu tối đa và giải trình thấu đáo, phải bảo đảm ý Đảng lòng Dân. Vì thế, nếu ai đó cho rằng việc này việc nọ đã được Đảng quyết rồi, Quốc hội cứ thế mà thông qua là rất chủ quan, không đúng với nguyên tắc và chỉ đạo của Đảng.

Đối với các ĐBQH tự ứng cử, hiện nay số lượng còn rất ít (chỉ có 4 đại biểu) nhưng tới đây chắc chắn sẽ tăng nhiều hơn vì Quốc hội cũng ủng hộ việc này. Tôi đánh giá rất cao trình độ, bản lĩnh, kỹ năng làm đại biểu và hoạt động nổi bật tại Quốc hội của GS-TS-BS Nguyễn Anh Trí, GS-TS Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) và Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP HCM) là các ĐBQH tự ứng cử.

Nên khuyến khích và ủng hộ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã hết tuổi làm việc ở các cơ quan tổ chức nhưng còn sức khoẻ, có trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh và có điều kiện tự ứng cử để được bầu làm ĐBQH.

Theo nhận thức của tôi, khi có các ĐBQH là người ngoài Đảng bên cạnh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và các ĐBQH là Đảng viên sẽ bớt phần chủ quan, cho rằng Đảng đã quyết rồi, với trên 90% ĐBQH là Đảng viên thì thế nào Quốc hội cũng thông qua, không cần phải mất thời gian giải trình thấu đáo, thuyết phục để có được sự đồng thuận cao. Căn bệnh này Lê Nin và Bác Hồ của chúng ta đã cảnh báo rồi.

Tôi đề nghị, nên tăng tỷ lệ hợp lí ứng cử viên ĐBQH là người ngoài Đảng, còn có trúng hay không là do cử tri bầu. Chẳng hạn, muốn có 10% đại biểu là người ngoài Đảng thì phải cơ cấu khoảng 15% ứng cử viên đại biểu là người ngoài Đảng.

Đồng thời, phải cơ cấu trong Hội đồng Dân tộc và mỗi Ủy ban của Quốc hội một số lượng nhất định ĐBQH là người ngoài Đảng, chứ hiện nay thành viên các cơ quan này cũng hầu hết đảng viên.

Không nên phân biệt “ĐBQH trung ương” và “ĐBQH địa phương”

Vậy theo ông tới đây tinh gọn tổ chức bộ máy, Quốc hội nên đi theo những phác thảo lớn thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Việc quan trọng hàng đầu là cân nhắc về tổng số, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội như thế nào cho hợp lí, đặc biệt là bảo đảm chất lượng ĐBQH như đã nói ở trên. Chỉ xin bổ sung một số ý:

Cử tri, công chúng đánh giá, nhận xét Quốc hội của chúng ta hiện nay có cơ cấu, thành phần chưa thật hợp lý, chất lượng ĐBQH chưa thật cao so với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

Có nhiệm kì tổng kết cho thấy, đã có những đại biểu Quốc hội, kể cả đại biểu chuyên trách không phát biểu lần nào trong phiên họp toàn thể tại Hội trường mặc dù không đảm nhiệm trọng trách, không bận lãnh đạo điều hành. Có những đại biểu chỉ có thể đọc bài viết sẵn chứ chưa có kĩ năng thảo luận, tranh luận, phản biện. Có những đại biểu được đánh giá “phát biểu rất hay nhưng tiếp thu thì rất gay”.

Còn một cơ cấu nữa cũng phải tính là cơ cấu ĐBQH trung ương và ĐBQH địa phương.

Đã là đại biểu trong cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, của toàn dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, thì không nên phân biệt ĐBQH trung ương và ĐBQH địa phương.

Đã là ĐBQH, phải đại diện cho cả nước, trong đó có đơn vị đã bầu ra mình, không nên quy định ứng cử viên ĐBQH trung ương do Mặt trận trung ương giới thiệu, còn ứng cử viên ĐBQH địa phương do Mặt trận địa phương giới thiệu. Như vậy, vô hình trung đã tạo thành hai khối ĐBQH trung ương và ĐBQH địa phương, không đúng. 

Cho nên, cần phải quy định tất cả các ứng cử viên ĐBQH đều do Mặt trận Trung ương giới thiệu và được Hội đồng bầu cử quốc gia phân bổ vào các đơn vị bầu cử do Hội đồng này lập ra để cử tri lựa chọn. Theo cơ cấu, thành phần đã được cấp có thẩm quyền duyệt, nên để Mặt trận Trung ương hiệp thương với các tổ chức thành viên của mình cùng với các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương để giới thiệu các ứng cử viên ĐBQH trên toàn quốc. Mặt trận Trung ương, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các ngành chuyên môn có quyền và trách nhiệm lựa chọn các ứng cử viên thuộc hệ thống của mình trong toàn quốc. Ví dụ, các ứng cử viên ĐBQH là phụ nữ phải do Cơ quan Trung ương của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với địa phương lựa chọn trong phạm vi toàn quốc.

Như vậy, Quốc hội sẽ có cơ cấu, thành phần hợp lý hơn, mang tính toàn quốc, chất lượng ĐBQH sẽ bảo đảm cao hơn.

Đâu là lợi ích của việc cần thống nhất là Đại biểu Quốc hội toàn quốc thay vì là đại biểu Trung ương và đại biểu địa phương?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Hiện nay, số ĐBQH địa phương nhiều hơn số ĐBQH trung ương nên đã có những trường hợp khi thảo luận về những vấn đề liên quan đến lợi ích giữa trung ương và địa phương thì Quốc hội cũng khó quyết định vì đa số là đại biểu địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phúc: Không nên phân biệt “ĐBQH trung ương” và “ĐBQH địa phương”. Ảnh: Quốc hội

Chẳng hạn, Quốc hội quyết định ngân sách nhà nước trong đó có ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, và tỷ lệ phân chia các nguồn thu giữa trung ương và địa phương, các dự án đầu tư công do trung ương hay địa phương quản lý, thực hiện thì đều có liên quan đến lợi ích của địa phương. Do đó, có thể các đại biểu địa phương dễ nghiêng về lợi ích của địa phương mình. Trong hoạt động giám sát, các đại biểu địa phương cũng ít khi nêu ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của địa phương mình tại diễn đàn Quốc hội.

Đổi mới tư duy mạnh mẽ, cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của Quốc hội không thể không động đến những vấn đề này.

Tinh gọn bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội

Cuối cùng, ông có những lưu ý gì thêm về việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Quốc hội theo định hướng của Trung ương?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Về tinh gọn tổ chức bộ máy của Quốc hội tôi tán thành định hướng của Trung ương. Đồng thời, nếu có thể tham gia ý kiến thì xin được lưu ý:

Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội là lực lượng nòng cốt làm việc chính, thường xuyên của Quốc hội, góp phần to lớn quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động Quốc hội. Đây là các cơ quan đại biểu, phần lớn là ĐBQH kiêm nhiệm không thuộc biên chế của Quốc hội, không phải là các cơ quan hành chính nhà nước như các cơ quan của Chính phủ và như Văn phòng Quốc hội. Do đó, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội cũng cần có đặc thù, khác với các cơ quan hành chính nhà nước.

Các cơ quan nói trên của Quốc hội cần được tinh gọn như định hướng của Trung ương. Đồng thời, tổ chức bộ máy của các cơ quan này phải bảo đảm tính hợp lý, tính bao quát và tính chuyên sâu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp và luật quy định về thẩm tra, giám sát, kiến nghị đối với các vấn đề thuộc các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp, xây dựng nhà nước và pháp luật…, tương thích với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ, và các cơ quan Tư pháp.

Thực chất, bộ máy, biên chế của Quốc hội nói chung, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nói riêng không lớn, không cồng kềnh như các cơ quan hành chính nhà nước có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở.

Trong các nhiệm kì gần đây, bộ máy, biên chế của Quốc hội tăng và có phần cồng kềnh chủ yếu ở bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức viên chức tham mưu, giúp việc tức là ở Văn phòng Quốc hội và Ban thư ký giúp việc Tổng thư ký Quốc hội. Do đó, cần tập trung tinh gọn tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/tinh-gon-bo-may-tham-muu-giup-viec-cua-quoc-hoi-2350073.html