Chủ trương và quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy được xem như cuộc đổi mới lần hai. Mỗi công chức, mỗi công dân trong công cuộc đổi mới này đều là người ‘đi tìm mình để vượt lên chính mình’.
Diễn đàn của Tuổi Trẻ tiếp tục với các ý kiến từ bạn đọc, cùng bàn về chủ trương đổi mới.
Động lực mới trên đường đua mới
Có người gọi đây là công cuộc “Đổi mới lần thứ hai” sau thành quả của cuộc đổi mới năm 1986. Chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy là sự tiếp tục công cuộc cải cách, mở cửa, giải quyết cái “tàn dư”, đi ngược với chủ trương đổi mới.
Để chủ trương đổi mới lần này được thực thi, trước hết người lãnh đạo phải vượt lên tầm nhìn, tầm chỉ đạo mới, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Chủ trương này phải thực hiện từ trên: “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau”.
Phần nhạy cảm từ chủ trương tinh giản bộ máy nhà nước chính là vấn đề con người. Hiệu quả được mong chờ từ việc cải cách là chất lượng nguồn nhân lực với phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế, xã hội hiện đại.
Tầm phát triển của xã hội, của nền kinh tế đất nước thể hiện ở phẩm chất, năng lực của nguồn nhân lực, trong đó đội ngũ công chức làm nên tính năng động của hệ thống chính trị, là một trong các yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển.
Hệ lụy của nền kinh tế bao cấp, cơ chế xin – cho là “bệ đỡ” biến cơ quan nhà nước thành “cha chung không ai khóc”. Công ty, xí nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ đã có Nhà nước bù lỗ; vào được biên chế trong đơn vị hành chính, sự nghiệp của Nhà nước là “chắc chân”, không lo mất việc như xí nghiệp, công ty tư nhân.
Đó là chưa kể việc “đi đó đi đây”, tiêu xài công quỹ dưới những tên gọi khác nhau trong khi người dân những vùng sâu vùng xa đang mong chờ từng ngày những công trình điện, đường, trường, trạm. Vì vậy chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy không chỉ hiểu đơn giản như “giảm biên chế” mà là cuộc cách mạng về hệ thống chính trị, về nguồn nhân lực.
Thực chất là sắp xếp lại, tổ chức lại, tạo động lực trên “đường đua” giữa Nhà nước và tư nhân. Hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đích đến là sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, tạo cơ hội cho mỗi cá nhân khai thác, phát huy tiềm lực trong mỗi người.
Hiểu như vậy thì chủ trương tinh giản bộ máy nhà nước không có chỗ cho cái gọi là “công thần”. Không có bộ, ngành, cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước “bình chân như vại” vì cho rằng cơ quan tôi là “vùng cấm” không bị giải thể hay sáp nhập, rồi “án binh bất động”.
Con số giảm 15% trong tinh giản bộ máy nhà nước không chỉ phản ánh yêu cầu về số lượng. Đàng sau con số là những con người đã đồng hành cùng cơ quan, công sở, xí nghiệp nhà nước, là công ăn việc làm, là con đường tiến thân, cống hiến…
Gánh nặng áo cơm cho bản thân, cho gia đình… là thử thách lớn đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi cá nhân để vượt lên chính mình. Và đó cũng là cơ hội để mỗi người cùng với cả dân tộc vượt lên.
Mỗi công chức, mỗi công dân trong công cuộc đổi mới, bước vào kỷ nguyên mới là người “đi tìm mình để vượt lên chính mình”, xốc lại ba lô tiếp tục cuộc hành trình đồng hành với niềm đam mê công việc, khát vọng sáng tạo.
Công cuộc đổi mới đang thổi sinh khí vào đời sống xã hội Việt Nam, “cú hích” phát huy sự thông minh, tài trí của người Việt để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
Sẽ có nhân tố mới, tinh thần mới
Tôi đồng tình rằng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là việc không đơn giản vì nó gắn liền với việc tinh giản biên chế. Điều này thật sự ảnh hưởng tâm tư, đời sống của rất nhiều người đang đóng vai trò thực thi công vụ trong bộ máy của hệ thống chính trị. Nhưng không thể không làm.
Một điều tôi quan tâm và hy vọng là: ở cấp cơ sở, sau khi sáp nhập cơ quan, giảm nhân sự thì chính những người thực thi công vụ chất lượng “thật”, cán bộ trẻ, năng động, dám nghĩ dám làm “mới” sẽ là những nhân tố tạo nên chất lượng, hiệu quả cho bộ máy sau tinh gọn.
Người dân như tôi mong chờ những gì được thấy ở các cán bộ, công chức, người thực thi công vụ là những người lấy tinh thần phục vụ nhân dân với mục tiêu phát triển quốc gia dân tộc làm trọng; ứng dụng thành thạo công nghệ trong công việc; tuân thủ pháp luật, giải quyết công việc đúng quy trình, đúng thời hạn, đề xuất giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh, không có thái độ thờ ơ, lãnh đạm, ban phát…
Cái khó để người thi hành công vụ tại cơ sở có thể tận tụy phục vụ như mong muốn như trên là áp lực về số lượng công việc hằng ngày lớn, quy định pháp luật còn chồng chéo, phức tạp, thẩm quyền được giao của cấp cơ sở chưa đủ.
Cũng là con người nên tâm tư về cơm, gạo, tiền vẫn là thường trực. Để được an tâm công tác, đúng tinh thần công bộc của dân, họ cần môi trường công việc thuận lợi và hơn hết là chế độ lương, thu nhập đảm bảo được cuộc sống ở mức khá.
Ngược lại, để được thụ hưởng quyền lợi ích hợp pháp của mình, người dân cũng cần có đóng góp của mình cho tổ chức, bộ máy chính quyền.
Đó là: luôn tôn trọng pháp luật, không vì lợi ích cá nhân mà có thỏa hiệp với các biểu hiện tiêu cực nhũng nhiễu vặt; nâng cao kiến thức, kỹ năng để thích ứng với môi trường “số hóa”; có thái độ tích cực, tôn trọng người thực thi công vụ; có góp ý, đề xuất để phối hợp với cơ quan, tổ chức có giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh hằng ngày.
Sự quyết tâm, quyết liệt làm từ trung ương để tinh gọn bộ máy, tôi tin sẽ thành công. Cấp cơ sở với chất lượng của những người thực thi công vụ, người giải quyết công việc hằng ngày sẽ thúc đẩy, hoàn thiện nhanh bộ máy, minh chứng cho hiệu quả của việc tinh gọn bộ máy.
Vẫn có thể “gọn” hơn nữa
Từ trung ương đến các địa phương đều đã lần lượt công bố phương án sáp nhập những đầu mối, bộ phận trực thuộc. Trước mắt đã thấy số bộ, ngành của Chính phủ cùng những sở, phòng ban ở cấp huyện, tỉnh sẽ giảm nhiều. Giảm nhưng đảm bảo đủ điều kiện, không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và hợp tình hợp lý, đó là điều người dân đang mong.
Cấp tỉnh, thành và quận, huyện sẽ “gộp” ban dân vận với ban tuyên giáo, điều này rất hợp lý. Cũng từ đây nên tiếp tục nghiên cứu sáp nhập văn phòng UBND quận, huyện với phòng nội vụ; văn phòng quận ủy với ban tổ chức quận ủy. Tính chất công việc của hai đơn vị này nếu về một mối sẽ có tác dụng hỗ trợ nhau để càng phát huy tốt hơn.
Đối với khối đoàn thể, hội cựu chiến binh và câu lạc bộ truyền thống kháng chiến nên nhập thành một. Ban chỉ đạo dân số và phát triển, cùng với ủy ban trẻ em, ban vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, ban chỉ đạo công tác gia đình về chung nhà với Hội LHPN sẽ phù hợp hơn.
Có thể thấy hiện nay chúng ta đang “bội thực” các ban chỉ đạo. Đã thành lập thì phải hoạt động, xây dựng kế hoạch, tổng hợp báo cáo, cùng với hội họp triền miên mất nhiều thời gian và tốn kém kinh phí. Nên chăng cần sắp xếp lại. Tinh gọn chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi cắt bỏ được những “râu ria” rườm rà, kém tác dụng và mang tính hình thức.
Gọn rồi vẫn có thể gọn nữa. Nên xem công tác sắp xếp lại bộ máy như một việc làm thường xuyên, không nhất thiết chỉ diễn ra trong một thời điểm.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/tinh-gon-bo-may-thach-thuc-va-co-hoi-voi-tung-ca-nhan-20241210231053021.htm