(Dân trí) – “Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là một ngôi sao đang lên, một điểm đến đầu tư tuyệt vời”, ông Joo-Ok Lee đánh giá cao hình ảnh Việt Nam qua thông điệp Thủ tướng Phạm Minh Chính mang đến.
Ông Joo-Ok Lee (Giám đốc WEF khu vực châu Á – Thái Bình Dương) là người điều phối phiên Đối thoại Chiến lược quốc gia ở Davos, cho biết sự phát triển của Việt Nam là vấn đề rất được quan tâm tại Diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới lần này.
Ông cũng tiết lộ rằng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đến gặp ông và nói, Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam là một trong những cuộc trao đổi hay nhất họ từng có với nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ.
Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam là một trong hơn 30 hoạt động có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 54 tại Davos, Thụy Sĩ.
Theo ông Joo-Ok Lee, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới coi đây là một “cơ hội đặc biệt”, bởi họ được trực tiếp lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều bộ trưởng, lãnh đạo địa phương của Việt Nam, chia sẻ về tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế.
Điều hữu ích với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp là lắng nghe và thực sự hiểu bối cảnh, nguồn gốc sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như định hướng phát triển trong tương lai, theo ông Joo-Ok Lee.
Những thông điệp Thủ tướng Phạm Minh Chính mang đến Hội nghị lần này, ông Joo-Ok Lee cho rằng đã mang đến một hình ảnh tích cực về một Việt Nam năng động, đổi mới.
“Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là một ngôi sao đang lên, một điểm đến đầu tư tuyệt vời”, Giám đốc WEF khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh.
Tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là xu thế khách quan và tất yếu. “Không một quốc gia, nền kinh tế nào có thể phát triển nhanh và bền vững nếu vẫn giữ tư duy cũ, chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống”, ông nói.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư cùng đồng hành với Việt Nam, tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ cao trong đó có công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
“Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác cùng các nhà đầu tư trên tinh thần cùng thắng, cùng có lợi”, Thủ tướng cam kết.
Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder đánh giá thông điệp người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Davos năm nay rất mạnh mẽ.
Ông cho rằng Việt Nam có nền kinh tế phát triển tương đối nhanh và bền vững, đồng thời nhận định sự hợp tác giữa Việt Nam và ILO là một trong những hợp tác lớn nhất của tổ chức này, không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới. Bởi vậy, ông khẳng định luôn sẵn sàng thúc đẩy hợp tác và thảo luận với Chính phủ Việt Nam, cùng xác định lĩnh vực hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Là thành viên Chính phủ tham gia tháp tùng Thủ tướng trong nhiều phiên đối thoại, tọa đàm, thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Davos, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính với vai trò khách mời danh dự, đã chia sẻ nhiều định hướng lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng đã truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, thể hiện tư duy, tầm nhìn đột phá, sẵn sàng cùng thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Bên lề hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay Thủ tướng cũng có rất nhiều cuộc gặp, trao đổi cùng các tập đoàn tài chính kinh tế hàng đầu thế giới với những chủ đề hợp tác quan trọng như hợp tác trong lĩnh vực AI, công nghiệp bán dẫn cũng như vấn đề tài chính, thúc đẩy thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.
Bà Hồng cũng như nhiều bộ trưởng khác tham gia tháp tùng, đều được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu trực tiếp chia sẻ về những định hướng hợp tác trong lĩnh vực chuyên môn của ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tận dụng thành công những cơ hội quan trọng từ chuyến công tác để thông tin về thành tựu, định hướng của Việt Nam, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp, hình ảnh và vị thế của một Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, tầm vóc, uy tín mới.
Hoạt động của Đoàn Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới lần này đã tạo ra một làn gió mới đối với hợp tác đầu tư nước ngoài chất lượng cao, góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới.
Là diễn giả chính tại Phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được một câu hỏi khá thẳng thắn của nhà bình luận nổi tiếng về quan hệ quốc tế Thomas Friedman (Báo New York Times), người điều phối Phiên đối thoại, về quan điểm của Việt Nam trong cân bằng quan hệ với các nước lớn.
Ông Thomas Friedman cho rằng không có nhiều nước có thể làm được việc cân bằng và quan hệ tốt với cả hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, trong khi chỉ trong một thời gian ngắn, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đều đến thăm Việt Nam. “Vậy Việt Nam đã làm thế nào? Bí quyết của Việt Nam là gì?”, ông đặt câu hỏi cho người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Không né tránh câu hỏi trực diện này, Thủ tướng chia sẻ Việt Nam là đất nước chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Ông khẳng định không quên quá khứ và cũng không ai có thể xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, song Việt Nam xác định phải gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, khai thác tương đồng, hướng đến tương lai.
Bởi lẽ đó, Việt Nam được coi là một hình mẫu về khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Thủ tướng khẳng định Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
“Tôi có một giả định thế này: Trong năm qua, khi Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam và nếu họ đều khuyên Việt Nam giảm bớt mức độ quan hệ với đối tác còn lại, ông sẽ trả lời thế nào?”, nhà bình luận Thomas Friedman tiếp tục cuộc đối thoại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cái được lớn nhất của hai chuyến thăm vừa qua của lãnh đạo hai cường quốc là củng cố lòng tin chính trị. Khi đã có lòng tin chính trị rồi, mọi quan hệ được giải quyết bằng sự chia sẻ, thông cảm và sự tôn trọng lẫn nhau.
“Tôi không được nghe lời khuyên như ngài hỏi, nhưng nếu được khuyên như thế, tôi sẽ khẳng định chúng tôi theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, vì mục tiêu hòa bình và phát triển”, người đứng đầu Việt Nam chia sẻ.
Thực tế, câu hỏi trên không chỉ riêng của riêng ông Thomas Friedman, mà đây cũng là mối quan tâm chung của dư luận quốc tế.
Trước chuyến thăm, Thủ tướng cũng đã trả lời phỏng vấn tập đoàn truyền thông Clever của Romania, và một trong những câu hỏi là làm thế nào để Việt Nam đạt được vị trí ngày nay, một trong những chủ thể quan trọng nhất của thế giới trong quan hệ quốc tế, có quan hệ hữu nghị với tất cả các siêu cường, các nước lớn.
Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng được nhiều chuyên gia, nhà lãnh đạo đề cập trong tọa đàm “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam”, tại Davos.
Tiến sĩ Philipp Rösler (nguyên Phó Thủ tướng Đức) nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới những năm qua.
Theo ông, Việt Nam đang trên đường trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này.
Ông Claudio Cisullo, đại diện Ngân hàng UBS, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện rất tốt để phát triển trung tâm tài chính. Việt Nam cũng đang có cơ hội rất đặc biệt để chuyển mình nhờ công nghệ và có thể tránh được những “vết xe đổ”, lựa chọn sai của các quốc gia đi trước.
Kinh tế vĩ mô và chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, có tính kết nối cao; có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu gắn với vị trí địa kinh tế chiến lược… là những lợi thế riêng và đặc biệt của Việt Nam để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết theo kế hoạch, tới năm 2030, thành phố sẽ hình thành trung tâm tài chính khu vực và trong năm nay phải trình Quốc hội khung pháp lý cho trung tâm này.
“Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nhất là tại khu vực Quận 1 và Thủ Thiêm; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của trung tâm tài chính quốc tế”, theo lời ông Mãi.
Không chỉ ở Diễn đàn Kinh tế Davos, vấn đề này cũng được cộng đồng người Việt tại Hungary rất quan tâm.
Trong buổi gặp gỡ kiều bào tại Hungary của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Tiến sĩ Thiều Ngọc Lan Phương, đại diện Hội trí thức Việt tại Hungary, mong muốn có cơ chế để tổ chức này tham gia vào việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên của Việt Nam ở TPHCM.
Hoan nghênh đề xuất này, ông Phan Văn Mãi cho biết TPHCM đã cơ bản hoàn thiện Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Thủ tướng đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ ngành lấy ý kiến chuyên gia để trình Chính phủ, trình Bộ Chính trị và sau đó trình Quốc hội, để có khung pháp lý cho trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM hoạt động.
Theo tư vấn của các chuyên gia, đầu tàu kinh tế của Việt Nam cần đi trước trong một số trụ cột, ví dụ thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh, Fintech. Địa phương này cũng cần một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với mặt bằng pháp lý của cả nước để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó cũng đã thống nhất thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam. Tổ công tác do Tiến sĩ Philipp Rösler, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì.
Với lộ trình đã đề ra, Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi thể hiện quyết tâm sẽ hoàn thành mục tiêu lập Trung tâm tài chính quốc tế trong nhiệm kỳ này.
Hungary và Romania là hai quốc gia Trung Đông Âu đầu tiên được Thủ tướng Phạm Minh Chính lựa chọn thăm chính thức trong năm mới 2024. Đây cũng là những người bạn đã giúp đỡ Việt Nam trong suốt lịch sử 75 năm đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước.
Mùa đông ở châu Âu, tuyết phủ trắng khắp các nẻo đường. Nhưng thời tiết lúc mưa, lúc nắng, lúc có tuyết rơi, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, giống như nhiều cung bậc cảm xúc khi tới thăm những người bạn lâu năm.
Hai nước cũng dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp, chân thành của những người bạn thân thiết.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã có hơn 30 cuộc gặp gỡ, trao đổi với tất cả lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, đảng chính trị hai nước, phát biểu chính sách tại các trường đại học, dự diễn đàn doanh nghiệp, gặp hội hữu nghị hai nước với Việt Nam, gặp cộng đồng bà con người Việt và thăm một số cơ sở kinh tế, khoa học kỹ thuật.
Lãnh đạo Hungary và Romania bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về thành tựu phát triển kinh tế – xã hội và đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước đều chung khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định Việt Nam đang phát triển vượt trội và sẽ là một trong những nước hàng đầu của châu Á. Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu cũng nhìn nhận Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất với Romania. Ông đề nghị hai bên tận dụng cơ hội để biến Romania trở thành cửa ngõ vào châu Âu của Việt Nam.
Tri ân sự giúp đỡ của Hungary và Romania dành cho Việt Nam trong suốt 75 năm qua, Thủ tướng khẳng định: “Tất cả mọi thứ có thể qua đi nhưng tình bạn luôn luôn ở lại. Tất cả đang thay đổi, chỉ có tình cảm giữa con người với con người là không đổi thay và ngày càng nhân lên”.
Hàng loạt văn kiện hợp tác trong lĩnh vực an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, lao động, nông nghiệp, thông tin truyền thông, hợp tác địa phương giữa Việt Nam và hai nước đã được ký kết.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Hungary và Romania là hai đất nước có quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam, từng đào tạo cho Việt Nam rất nhiều nhân lực có chất lượng và cũng đang có nhiều hiệp định về giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực cho mỗi nước.
Thế mạnh của hai quốc gia này là đào tạo về khoa học cơ bản, công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.
Với Hungary, Bộ trưởng Sơn cho biết có tới 36 trường đại học đã nhận sinh viên Việt Nam, và số lượng sinh viên người Việt học tập tại Hungary đã lên tới hơn 900 người. “Đây là hợp tác giáo dục quan trọng với quốc gia trong cộng đồng EU”, theo lời Tư lệnh ngành giáo dục.
Bộ trưởng cho biết qua các cuộc gặp, hội kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Hungary rất quan tâm đến việc tạo điều kiện cho học sinh Việt Nam đến Hungary học tập. Hiện nay, hàng năm Hungary cấp khoảng 200 suất học bổng cho hệ cử nhân, kỹ sư và sau đại học của Việt Nam.
Về phía Việt Nam, năm 2023 có hơn 400 hồ sơ học sinh Việt Nam đăng ký vào các trường Đại học của Hungary. “Điều đó cho thấy học sinh Việt Nam rất quan tâm đến việc học tập tại các trường Đại học ở Hungary. Chính phủ khuyến khích, còn học sinh hào hứng với môi trường học tập này”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, ở Romania, hàng năm Chính phủ nước này đều cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, tuy nhiên, số sinh viên Việt Nam đến đây còn hạn chế bởi “cái khó” về ngôn ngữ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong chuyến đi lần này của Thủ tướng có đại diện 8 trường đại học Việt Nam thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật, xây dựng, thủy lợi công nghệ… cùng tham gia.
Ông cho biết sẽ thúc đẩy việc hợp tác, phát triển lĩnh vực giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt cho các ngành lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, y dược mà hai nước Hungary, Romania có thế mạnh.
Bộ ngành hai nước cũng sẽ xúc tiến để học sinh Hungary, Rumani đến Việt Nam học tập, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của hai nước trong thời gian sắp tới.
Chuyến thăm chính thức Hungary và Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay dịp đầu năm mới là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hungary và quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống Việt Nam – Romania, gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện hợp tác song phương trong giai đoạn phát triển mới.
Dantri.com.vn