Tham dự Lễ ra quân có: Ông Nguyễn Phi Long – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Matt Jackson – Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê; các vị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; các điều tra viên, đội ngũ Người có uy tín, cùng sự tham dự của các ngành chức năng và đông đảo đồng bào DTTS tại địa phương.
Ngày 05/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội (KT-XH) của 53 DTTS, theo đó, các cuộc điều tra được tiến hành 5 năm/lần. Cuộc điều tra lần thứ nhất được tiến hành từ ngày 1/8 đến 31/8/2015. Kết quả cuộc điều tra đã cho ra một bộ dữ liệu đầy đủ, toàn diện, có độ tin cậy cao để làm căn cứ đánh giá kết quả và xây dựng, hoạch định chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS cùng với những chính sách phát triển của cả nước sau 70 năm hình thành, phát triển của hệ thống các cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.
Từ 01/10/2019 đến 31/10/2019, Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức cuộc điều tra lần thứ hai. Qua đó đã được nguồn số liệu tin cậy, khoa học để Ủy ban Dân tộc xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời cung cấp thông tin, dữ liệu để các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các ban, bộ, ngành và Ủy ban Dân tộc tham mưu xây dựng hàng loạt chính sách góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển vùng đồng bào DTTS.
Cuộc điều tra lần thứ 3 được triển khai bắt đầu từ ngày 1/7 đến hết ngày 15/8/2024, có ý nghĩa rất quan trọng.
Phát biểu tại Lễ ra quân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2024 được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, trong đó có sự tham gia của Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê; Cục Thống kê và các đơn vị liên quan tại 5 tỉnh: Hòa Bình, Hà Giang, Nghệ An, Đắk Lắk, Sóc Trăng.
“Tôi được biết, cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế -xã hội của 53 DTTS năm 2024 là cuộc điều tra quan trọng. Với uy tín của mình, tôi xin hứa sẽ tuyên truyền, vận động Nhân dân và các hộ được chọn mẫu điều tra cung cấp thông tin nhiệt tình, chính xác và đầy đủ để cuộc điều tra thành công tốt đẹp”.
Ông Triệu Phúc Xuân, Người có uy tín ở xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình
Qua điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan từ Trung ương đến địa phương vùng đồng bào DTTS có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2025, đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2025, chuẩn bị xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn tiếp theo 2026 – 2030; làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo, các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt như vậy, để triển khai công tác thu thập thông tin một cách hiệu quả, bảo đảm thực hiện thành công cuộc điều tra lần này Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai cuộc điều tra theo đúng tiến độ; tích cực phối hợp với các báo, đài tại địa phương thực hiện tốt công tác truyền thông với nội dung thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.
Sau khi kết thúc điều tra, chủ động xây dựng kế hoạch tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng kết quả điều tra 53 dân tộc năm 2024 trên địa bàn tỉnh, triển khai báo cáo phân tích kết quả điều tra và các báo cáo phân tích sâu theo chuyên đề phục vụ xây dựng kế hoạch 5 năm 2026 – 2030.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn quan tâm chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chuyên môn triển khai tốt việc điều tra, thu thập thông tin tại địa bàn, đặc biệt là quán triệt, vận động người dân thuộc các địa bàn điều tra ủng hộ, tham gia tích cực, góp phần cho cuộc điều tra đạt hiệu quả. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền trước, trong và sau khi điều tra nhằm cung cấp thông tin về mục đích, ý nghĩa, nội dung cơ bản của cuộc điều tra tới các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân để tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với cuộc điều tra.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh, giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng, việc thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, là nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đặc biệt vùng đồng bào DTTS có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng vươn lên cải thiện cuộc sống và phát triển toàn diện.
“Tôi tin tưởng cuộc điều tra lần này sẽ tiếp tục đưa ra những thông tin, dữ liệu chất lượng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc trong thời gian tới, tăng cường củng cố, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tin tưởng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Việc tổ chức thành công Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền, để các hộ DTTS hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra, từ đó tích cực phối hợp với các điều tra viên thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đồng thời, Lễ ra quân còn giúp các cấp lãnh đạo và toàn hệ thống chính trị địa phương hiểu được tầm quan trọng của cuộc điều tra, qua đó chỉ đạo thực hiện tốt cuộc điều tra.
Ông Matt Jackson – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết: UNFPA luôn kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới ưu tiên đầu tư vào cải thiện hệ thống dữ liệu dân số. Chỉ khi nào họ được đưa vào hệ thống dữ liệu một cách trung thực với tất cả sự đa dạng của mình, chúng ta mới có thể đẩy lùi định kiến và bất bình đẳng và tạo dựng một tương lai kiên cường, hòa bình và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.
UNFPA Việt Nam tự hào là đối tác hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực thu thập, phân tích dữ liệu và xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác lập kế hoạch và theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các kế hoạch chính sách dựa trên bằng chứng.
“UNFPA vui mừng chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ Việt Nam trong công tác thu thập dữ liệu. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành để xây dựng và tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu có chất lượng nhằm thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững tại Việt Nam”, ông Matt Jackson nói.
Dịp này, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cam kết: “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình bày tỏ sự đồng tình, quyết tâm cao với mục tiêu và kế hoạch triển khai điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2024 trong cả nước”.
Theo ông Đinh Công Sứ, tỉnh Hòa Bình xác định rõ vai trò, ý nghĩa của cuộc điều tra đối với địa phương và với tính chất cuộc điều tra trên địa bàn tỉnh diễn ra phạm vi rộng, nội dung điều tra phong phú, nghiệp vụ khó, vì vậy tỉnh đã và đang chỉ đạo Cục Thống kê, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội các DTTS năm 2024.
Cuộc điều tra điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS năm 2024 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người DTTS sinh sống, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh.
Đối tượng điều tra là hộ dân cư người DTTS; nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ DTTS tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ, không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của Quân đội và Công an); tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, II, I theo quyết định 861/QĐ-TTg và các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng DTTS.
Nguồn: https://baodantoc.vn/tin-tuong-cuoc-dieu-tra-thu-thap-thong-tin-thuc-trang-kinh-te-xa-hoi-cua-53-dtts-nam-2024-se-tiep-tuc-dua-ra-nhung-thong-tin-du-lieu-chat-luong-1719818924572.htm