Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về quản lý học sinh, sinh viên làm bán thời gian?
Góp ý dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, gia đình trong quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian (nhất là nhóm từ 15-18 tuổi) và trách nhiệm của học sinh, sinh viên như phải đăng ký làm việc.
Đề nghị bổ sung nhóm “cơ sở giáo dục thường xuyên” có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian. Lý do là học sinh theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên từ 15 tuổi trở lên đã đủ điều kiện lao động theo quy định.
Bộ cũng đề nghị nghiên cứu mức tiền công tối thiểu để tránh việc thỏa thuận quá thấp, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất tăng lương tối thiểu giờ ở mức 6%, dự kiến áp dụng từ ngày 1-7. Theo đó, lương tối thiểu vùng 1 là 23.800 đồng/giờ, vùng 2 là 21.200 đồng/giờ, vùng 3 là 18.600 đồng/giờ, vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.
Việc này đảm bảo mức lương thấp nhất trả cho người lao động đáp ứng mức sống tối thiểu của họ và gia đình, cũng như phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định hỗ trợ cho người lao động khuyết tật hay quản lý việc làm trên Internet, mạng viễn thông di động…
“Sổ đỏ” theo Luật Đất đai mới gồm những nội dung nào?
Dự thảo quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo mẫu thống nhất và áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất.
Giấy chứng nhận gồm một tờ có 2 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi giấy chứng nhận), có kích thước 210mm x 297mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
1. Trang 1 của giấy chứng nhận gồm các nội dung:
a) Quốc hiệu;
b) Quốc huy;
c) Mã QR code;
d) Tên “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” in màu đỏ;
đ) Mục “1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”;
e) Mục “2. Thông tin thửa đất”;
g) Mục “3. Thông tin tài sản gắn liền với đất”;
h) Mục “4. Ghi chú”;
i) Mục “5. Sơ đồ thửa đất”;
k) Địa danh, ngày tháng năm ký giấy chứng nhận và cơ quan ký giấy chứng nhận tại góc dưới cùng bên phải trang 1 của giấy chứng nhận;
l) Nội dung lưu ý đối với người được cấp giấy chứng nhận.
2. Trang 2 của giấy chứng nhận gồm các nội dung:
a) Mục “6. Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận:”;
b) Số vào sổ cấp giấy chứng nhận.
Thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (người dân hay gọi là “sổ đỏ”) sẽ kèm theo số chứng minh thư nhân dân, số căn cước công dân, nhưng từ ngày 1-1-2025 không sử dụng thông tin của chứng minh thư nhân dân theo quy định của Luật Căn cước.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo quy định thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ nhân thân ghi “Hộ chiếu số:…, nơi cấp:…, năm cấp:…”; địa chỉ đăng ký thường trú của người đó ở Việt Nam nếu có.
Từ ngày 1-7 chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị, để thống nhất sử dụng một tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1-7-2024.
Đây là yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác), diễn ra sáng 3-5 tại Trụ sở Chính phủ.
Yêu cầu trên được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh hiện nay mỗi người dùng thường có nhiều tài khoản dịch vụ công được cấp bởi các bộ, ngành, địa phương khác nhau, gây ra nhiều bất tiện như khó quản lý thông tin cá nhân, phải nhớ nhiều tài khoản giao dịch và mật khẩu.
VNeID (viết tắt của từ Viet Nam Electronic Identification) là một ứng dụng trên thiết bị di động, do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an phát triển nhằm mục đích thay thế giấy tờ truyền thống, cung cấp các tiện ích phục vụ cho công dân số, chính phủ số và xã hội số.
VNeID không chỉ mang lợi ích thiết thực cho người dân, mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước; giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và Nhà nước.
Đơn cử khi cấp phiếu lý lịch tư pháp, nếu làm theo phương thức truyền thống, TP Hà Nội tiếp đón khoảng 900-1.000 người mỗi ngày, tạo áp lực lớn cán bộ làm công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Cán bộ y tế 17 tỉnh thành thi “Y tế cơ sở giỏi” 2024
Cuộc thi là dịp nâng cao và tôn vinh phong trào học tập, rèn luyện kiến thức, kỹ năng chuyên môn, truyền thông giáo dục sức khỏe, khả năng giao tiếp, chăm sóc sức khỏe người dân của cán bộ y tế cơ sở.
Theo Bộ Y tế, trước đây cuộc thi có tên là “Hội thi cán bộ y tế thôn bản giỏi”, từ năm 2018 trở thành cuộc thi “Y tế cơ sở giỏi”. Năm 2024 này là lần thứ 2 cuộc thi Y tế cơ sở giỏi được tổ chức.
Cuộc thi năm nay có sự tham gia của nhân viên y tế cơ sở (trạm y tế xã phường, trung tâm y tế quận huyện) tại 17 tỉnh thành. Với các vòng thi diễn ra tại 3 khu vực miền Bắc (thi tại tỉnh Hải Dương); miền Trung (thi tại Bình Định) và miền Nam (thi tại Đồng Nai).
Bà Đào Hồng Lan, bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay đã có 99,6% xã phường trong toàn quốc có trạm y tế, 79,8% trong số này có bác sĩ cơ hữu làm việc tại trạm, khả năng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân tại trạm y tế đã tốt hơn trước đây rất nhiều, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa đây chính là tuyến y tế gần dân nhất và có vai trò quan trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tin-tuc-sang-4-5-so-do-theo-luat-dat-dai-moi-gom-nhung-noi-dung-nao-20240503225832662.htm