Một số tin tức đáng chú ý: Nhiều quy định mới khi khám bệnh bảo hiểm y tế từ ngày 1-1-2025; Vietnam Airlines sắp họp đại hội đồng cổ đông bất thường; Địa ốc Vạn Phát nợ xấu 600 tỉ…
Nhiều quy định mới khi khám bệnh bảo hiểm y tế từ ngày 1-1-2025
Từ ngày 1-1-2025, một số quy định mới có lợi cho người dân khi đi khám bệnh bảo hiểm y tế có hiệu lực.
Theo đó, một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… sẽ được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và được bảo hiểm y tế thanh toán 100%. Danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo của Bộ Y tế bao gồm 42 bệnh, nhóm bệnh, trong đó có những bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, đột quỵ, bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật vĩnh viễn…
Trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả nhưng tại thời điểm đó bệnh viện không có thuốc và bệnh nhân phải tự mua thuốc bên ngoài thì bảo hiểm xã hội sẽ hoàn tiền cho bệnh nhân.
Cũng từ 1-1-2025, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật…
Vietnam Airlines sắp họp đại hội đồng cổ đông bất thường
Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HVN) vừa thông báo về việc tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025.
Thời gian dự kiến diễn ra vào sáng 21-1-2025. Theo thông tin từ Vietnam Airlines, nội dung đại hội sẽ trình thông qua phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ; báo cáo cập nhật về đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025; chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư tàu bay thân hẹp; phương án lựa chọn công ty kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn 2025-2027 và một số nội dung khác thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.
Trước đó, Quốc hội đã cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỉ đồng.
Trong đó, giai đoạn 1, cho phép Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Vietnam Airlines thực hiện phương án tăng vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng.
Giai đoạn 2, chấp thuận về chủ trương, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (gồm phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp) với quy mô phát hành tối đa 13.000 tỉ đồng.
Khoản nợ gần 600 tỉ đồng của Địa ốc Vạn Phát, ngân hàng rao giá bất ngờ
Công ty đấu giá Hợp danh mới đây thông báo bán đấu giá khoản nợ xấu gần 600 tỉ đồng của Công ty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát tại Sacombank.
Cụ thể, tổng nghĩa vụ khoản nợ của Địa ốc Vạn Phát tại Sacombank tính đến 27-4-2021 là hơn 596 tỉ đồng. Trong đó, vốn gần 189 tỉ đồng, lãi tồn đọng hơn 407 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá khởi điểm khoản nợ này đưa ra chỉ 189 tỉ đồng, bằng đúng số tiền nợ gốc.
Theo thông tin từ tổ chức đấu giá, khoản nợ của Địa ốc Vạn Phát phát sinh theo hợp đồng tín dụng từ năm 2012. Tài sản đảm bảo là 40 triệu cổ phiếu DTR của Công ty cổ phần Bất động sản Đô Thành.
Ngoài ra, khách hàng tham gia đấu giá được lưu ý cần có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về hồ sơ pháp lý của khoản nợ, tự tìm hiểu và tự chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý, thông tin liên quan đến khoản nợ bán đấu giá trước khi đăng ký tham gia đấu giá.
Nhiều ‘ông lớn’ thực phẩm, đồ uống chật vật khi thị trường bão hòa
Trong báo cáo chuyên đề triển vọng 2025 của ngành thực phẩm và đồ uống, bộ phận phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết ngành hàng thực phẩm và đồ uống đã bước vào pha bão hòa.
Dự báo các ông lớn trong ngành như Vinamilk (sữa), Sabeco (bia), Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (thực phẩm tiện lợi, gia vị), Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (sữa đậu nành) vẫn ghi nhận mức tăng trưởng thấp (1 chữ số) về doanh thu năm 2025.
Về xu hướng biên lợi nhuận, VDSC đánh giá các ông lớn trong ngành mạnh tay trong chi chiết khấu, quảng cáo nhằm giữ thị phần “cao” của mình ở các mảng chủ chốt cũng như thâm nhập dễ hơn vào các mảng mới. Do đó, biên lợi nhuận dự kiến khó mở rộng trong năm 2025.
Do kết quả kinh doanh vẫn phụ thuộc lớn với các trụ cột cũ, giá cổ phiếu đã phản ánh đáng kể tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn. Tuy nhiên, các công ty này duy trì tỉ lệ trả cổ tức cao trong nhiều năm (trên 60% lợi nhuận sau thuế/năm) tương ứng tỉ suất cổ tức là Vinamik (5,3%/năm), Sabeco (6,0%/năm), Đường Quảng Ngãi (8-11%/năm). So sánh với lãi suất tiền gửi (5%/năm), Đường Quảng Ngãi được xem là cổ phiếu phù hợp với trường phái đầu tư cổ tức, theo VDSC.
TP.HCM xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ theo quy mô vùng
Trong năm 2025, ngành y tế TP.HCM sẽ tổ chức ký kết đồng thuận giữa các Sở Y tế thuộc vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu long, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung về xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ theo quy mô vùng từ tuyến y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ. Năm 2024, riêng Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) tiếp nhận hơn 17.000 ca, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Đáng nói, tỉ lệ người trẻ mắc đột quỵ ngày càng tăng.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, cho hay có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ, trong đó đáng nói nhất là do không kiểm soát bệnh nền tốt.
Phổ biến nhất là tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh lý tim mạch bẩm sinh, mặc dù có thuốc điều trị nhưng nhiều người còn chủ quan không kiểm soát dẫn đến nguy cơ đột quỵ tăng.
Tiếp đến yếu tố nguy cơ gây đột quỵ hiện nay là do lối sống như hút thuốc lá, uống rượu, bia, nước ngọt, thừa cân, béo phì, lối sống lười vận động, căng thẳng, áp lực công việc…
Nguồn: https://tuoitre.vn/tin-tuc-sang-31-12-nhieu-quy-dinh-moi-khi-kham-benh-bao-hiem-y-te-20241230194104305.htm