Áp lực lạm phát có thể tăng sau bão lụt
Tin tức trong báo cáo vừa công bố, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá bão Yagi đã gây tác động nghiêm trọng đến khu vực kinh tế phía Bắc của Việt Nam.
Trong thời gian tới, có hai vấn đề cần lưu ý:
– Thứ nhất, áp lực lạm phát có thể gia tăng nhẹ trong ngắn hạn do giá cả hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm, tăng vọt sau bão.
– Thứ hai, bão Yagi sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong quý 3 và bình quân cả năm 2024.
Do vậy chuyên gia PHS thận trọng điều chỉnh tăng trưởng GDP quý 3 quanh mức 6,7%.
Tuy nhiên, chuyên gia PHS cũng nhấn mạnh rằng những tác động này sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn, do đó sẽ không làm thay đổi mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025.
Sau ảnh hưởng của bão Yagi, dự kiến hoạt động sản xuất – xuất khẩu sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại trong giai đoạn quý 4 để đáp ứng nhu cầu cao trong mùa lễ hội cuối năm tại các thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Trong thời gian tới, chuyên gia PHS cho rằng Chính phủ và NHNN sẽ phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các chính sách hỗ trợ để khôi phục nền kinh tế, qua đó giúp cho tăng trưởng kinh tế đạt duy trì quán tính tăng tốt. Đặc biệt là khi tỉ giá đã giảm sâu, NHNN sẽ còn nhiều dư địa hơn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ “nới lỏng”.
Đề xuất nghỉ hưu được thanh toán tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp
Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cơ quan chức năng khi sửa đổi Luật Việc làm nghiên cứu theo hướng người đóng bảo hiểm thất nghiệp đến tuổi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp được thanh toán tiền đã đóng, bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng.
Đây là số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (1% tiền lương hằng tháng).
Về việc này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm ngắn hạn (như bảo hiểm y tế), tính chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm với người bị mất việc làm.
Thực tế, nhiều người đóng song chỉ có một số ít người mất việc được hưởng, nhằm hỗ trợ họ được đào tạo, tư vấn, giới thiệu, duy trì việc làm và bù đắp một phần thu nhập khi mất việc.
Hiện mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bình quân tháng là 6 triệu đồng. Một người đóng tối thiểu là 12 tháng với số tiền là 1% x 6 triệu đồng x 12 tháng = 720.000 đồng (tương ứng với 12%).
Tuy vậy, người thất nghiệp có thể hưởng các chế độ lên đến khoảng 500% (chưa tính quyền lợi tư vấn, giới thiệu việc làm).
Như vậy, một người muốn hưởng tối đa các chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì phải cần gần 40 người đóng. Qua tính toán, hiện nay, khoảng 12-13 người đóng thì có 1 người hưởng.
Cạnh đó, nguyên tắc đóng – hưởng của bảo hiểm thất nghiệp là nếu xảy ra rủi ro, đủ điều kiện, người tham gia sẽ hưởng hỗ trợ với từng chế độ cụ thể, không phải cứ đóng tiền vào quỹ, không gặp rủi ro sẽ được hưởng lại tiền đã đóng.
Hàng chục nghìn tỉ trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc
Theo tin tức từ thống kê của Visrating – một đơn vị xếp hạng tín nhiệm có vốn của Moody’s, trong tháng 9-2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn đạt 24.500 tỉ đồng, cao hơn so với tháng trước là 18.100 tỉ đồng.
Visrating dự kiến trong số các trái phiếu đáo hạn nêu trên, có 1.800 tỉ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc, phần lớn trong số này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó.
Trong vòng 12 tháng tới, chúng tới Visrating ước tính có khoảng 18% trong số 245.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc, tức khoảng hơn 44.100 tỉ đồng.
Trong số đó, 76% giá trị trái phái phiếu rủi ro cao thuộc các công ty trong nhóm ngành bất động sản nhà ở và xây dựng.
Còn trong tháng 8-2024, 13 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, bán lẻ và nông nghiệp đã hoàn trả tổng cộng 2.400 tỉ đồng tiền gốc cho các trái chủ.
Sau khi thanh toán một phần, dư nợ trái phiếu chậm trả còn lại của nhóm các tổ chức phát hành này còn 8.500 tỉ đồng.
Tính chung trong tổng số 567 trái phiếu chậm trả phát sinh từ năm 2022, 63 trái phiếu đã thanh toán toàn bộ gốc lãi chậm trả cho các trái chủ và 294 trái phiếu đang trong quá trình tái cấu trúc.
Tỉ lệ thu hồi chậm trả của các trái phiếu chậm trả đã tăng lên 20,8% vào cuối tháng 08-2024.
Sếp Thế Giới Di Động liên tục muốn bán ra cổ phiếu
Ông Đặng Minh Lượm – thành viên Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), vừa gửi thông báo tới Ủy ban Chứng khoán việc đăng ký bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG.
Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 25-9 đến ngày 24-10, nhằm mục đích nhu cầu tài chính cá nhân.
Nếu giao dịch thành công, ông Lượm sẽ thu tiền về đồng thời hạ tỉ lệ sở hữu cổ phần tại Thế Giới Di Động từ 0,22% vốn xuống 0,15% vốn.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài – chủ tịch HĐQT MWG, cũng đã bán thành công 1 triệu cổ phiếu MWG theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 9-9 đến ngày 19-9.
Qua đó, chủ tịch MWG đã hạ tỉ lệ sở hữu trực tiếp từ 2,28% xuống gần 2,22%. Hồi tháng 6 năm nay, ông Tài cũng đã bán ra 2 triệu cổ phiếu MWG.
Trước đó, ông Tài rất ít khi bán ra cổ phiếu. Lần gần đây nhất, ông Tài đăng ký bán cổ phiếu MWG từ cuối năm 2021, số lượng thấp hơn.
Về động thái bán ra cổ phiếu của lãnh đạo Thế Giới Di Động, hồi cuối tháng 2 năm nay, ông Robert Alan Willett – thành viên HĐQT không điều hành – cũng đăng ký bán ra 1,2 triệu cổ phiếu MWG.
Cổ phiếu của nữ đại gia Tân Tạo bị cấm mua bán từ 26-9
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có quyết định về việc chuyển cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 26-9 tới.
Quyết định của HoSE nêu rõ: Tân Tạo đã tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Trước đó, ITA chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên năm 2023 và báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024.
Tân Tạo là doanh nghiệp do bà Đặng Thị Hoàng Yến (tên mới Maya Dangelas, quốc tịch Mỹ) làm chủ tịch. Liên quan đến việc chậm công bố các loại báo cáo trên, lãnh đạo ITA đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE cho phép tạm hoãn.
Bởi doanh nghiệp giải thích, mặc dù đã nỗ lực hết sức, liên hệ làm việc và thuyết phục tất cả các công ty kiểm toán nhưng đều bị từ chối.
Tin tức sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 22 đế 27-9
– Ngày 22-9: Lễ ra quân hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024; tại Lạng Sơn: Hội thi tuyên truyền về an toàn giao thông; tại Nam Định: Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất Đức Thánh Trần
– Từ ngày 22 – 27-9 tại Phú Thọ: Đại hội khỏe “Vì an ninh Tổ quốc” lần thứ IX và Hội thi “Điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân lần thứ VI – khu vực 2”
– Ngày 23-9: Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật; Thông tin Lễ kỷ niệm 94 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10
– Ngày 24-9: Lễ xuất quân bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và đội công binh số 3
– Từ ngày 27 – 29-9 tại Ninh Thuận: Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI năm 2024 .
Nguồn: https://tuoitre.vn/tin-tuc-sang-22-9-ap-luc-lam-phat-co-the-tang-sau-bao-lut-co-phieu-tan-tao-bi-cam-mua-ban-tu-26-9-20240921185416052.htm