Hơn 90% người Việt mắc các bệnh về răng miệng
Thông tin này được ông Trần Cao Bính – chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam – cho hay.
Với hơn 90% người dân bị mắc các bệnh về răng miệng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Theo ông Bính, Ngày Sức khỏe răng miệng thế giới thực sự là ngày hội của các đồng nghiệp ngành răng hàm mặt trong cả nước để thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi thành viên trong cộng đồng, nhằm quan tâm chăm sóc răng miệng cho trẻ em, cho bản thân, cho người thân và cho cộng đồng với khẩu hiệu 2:2:2:2 (chải răng 2 lần/ngày; thời gian chải răng ít nhất 2 phút/lần; hạn chế ăn 2 giờ sau chải răng; khám răng định kỳ 2 lần/năm) để có hàm răng chắc khỏe.
Nhà công vụ tiêu chuẩn thế nào?
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đối với dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ.
Theo đó, các vị trí Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng được bố trí biệt thự diện tích đất khuôn viên từ 450m2 – 500m2, định mức nội thất tối đa 350 triệu đồng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ hoặc cấp tương đương trở lên được bố trí biệt thự diện tích đất khuôn viên từ 350m2 – dưới 450m2, tối đa trang bị nội thất 300 triệu đồng.
Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và dự khuyết, Trưởng các Ban Đảng ở Trung ương, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Bộ trưởng, Trưởng Đoàn thể Trung ương và cấp tương đương trở lên được bố trí một trong hai loại hình: liền kề diện tích đất từ 200m2 – 250m2 , hoặc căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 145m2 – 160m2, tối đa trang bị nội thất 250 triệu đồng.
Tại địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng chính thức và dự khuyết, Bí thư tỉnh ủy và cấp tương đương được bố trí một trong hai loại hình nhà ở là liền kề diện tích đất từ 200m2 – 250m2 hoặc căn hộ chung cư diện tích sử dụng từ 145m2 – 160m2, định mức nội thất tối đa 250 triệu đồng.
Dự thảo này có nhiều điểm tương đương mức đang áp dụng hiện hành, nhưng có mở rộng người được sử dụng nhà công vụ theo Luật Nhà ở 2023.
Bộ Y tế sẽ xây dựng giá mới của 10.000 dịch vụ y tế “tính đúng tính đủ”
Phát biểu tại cuộc gặp mặt thường niên của CLB giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc ngày 16-3, bà Đoàn Thị Kim Dung, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, chia sẻ cách tính giá viện phí “tính đúng tính đủ” theo Luật Khám chữa bệnh mới có hiệu lực thực hiện từ 1-7-2024.
Theo đó, cách tính viện phí mới sẽ áp dụng theo quy định trong Luật Khám chữa bệnh và Luật Giá hiện hành. 4 nhóm chi phí sử dụng để tính giá bao gồm chi phí nhân công (tiền lương, tiền công phù hợp loại hình cung cấp dịch vụ); chi phí trực tiếp sử dụng cho khám chữa bệnh (máu, thuốc, dịch truyền, vật tư y tế); chi phí khấu hao thiết bị và chi phí quản lý.
Trong số này, bà Dung cho biết chi phí quản lý là yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế vừa được đưa thêm vào viện phí, theo hướng tiến đến tính đúng tính đủ giá dịch vụ. Trong chi phí quản lý có cả phần chi cho công nghệ thông tin trước đây chưa được tính.
Tuy nhiên việc điều chỉnh viện phí cũng sẽ cân đối với khả năng chi trả của người dân, hài hòa lợi ích người cung cấp và sử dụng dịch vụ, yếu tố thời điểm cũng như lộ trình của Chính phủ.
Được biết hiện Bộ Y tế đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ kể trên, để xây dựng được giá này thì trong tháng 3 bộ sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ tính giá. Đây là lần đầu tiên chi phí quản lý được đưa vào viện phí và dự kiến viện phí sẽ điều chỉnh theo hướng tăng so với hiện hành.
Tập trung sản xuất thuốc, vắc xin mới
Phát biểu tại hội thảo triển khai công tác khoa học công nghệ ngành y tế 2024 tổ chức ngày 16-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết hiện Việt Nam đã sản xuất được 10/11 vắc xin trong tiêm chủng mở rộng; đã tiếp nhận và làm chủ một số công nghệ sản xuất thuốc chữa bệnh có bản chất protein và enzym; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến ung thư và bệnh di truyền…
Tuy nhiên bà Hương đánh giá điểm yếu của nghiên cứu khoa học, công nghệ y tế hiện nay thiếu lực lượng nhân lực trình độ cao và chính sách, đầu tư cho khoa học, công nghệ còn hạn chế, chưa có cơ chế cho đề tài có tính rủi ro, mạo hiểm…
Bà Hương cũng cho biết ngành y tế đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong y tế, tập trung nghiên cứu sản xuất thuốc, vắc xin phục vụ phòng và chữa bệnh.