Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Phó thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO vào tối 21-4 tại quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ông Christian Manhart – trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Việt Nam cũng tham dự chương trình.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và sức mạnh Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – minh triết của dân tộc – gắn liền với truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam.
Cùng với 14 giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể thế giới.
Với 15 di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, Việt Nam là một trong số những quốc gia giàu tài nguyên văn hóa, một cộng đồng độc đáo trên thế giới.
Phó thủ tướng chỉ đạo cần đưa tài nguyên văn hóa trở thành nguồn lực để phát triển đất nước.
Ông đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm hoàn thiện hệ giá trị văn hóa quốc gia và con người Việt Nam.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ đảm bảo các điều kiện tốt nhất để các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có không gian sáng tạo, biểu diễn.
Tôn vinh mạch nguồn văn hóa Việt giàu có
Ngay sau phần lễ, công chúng được xem chương trình nghệ thuật đặc sắc được đầu tư xây dựng công phu, quy mô hoành tráng.
Hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp thuộc các đơn vị nghệ thuật trung ương và các địa phương như Trọng Tấn, Anh Thơ, Ngọc Ký, Ngọc Liên, NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần… cùng các bạn học sinh, sinh viên tại địa phương đã tham gia chương trình.
Chương trình nghệ thuật do nhà biên kịch Lê Thế Song xây dựng kịch bản và tổng đạo diễn.
Khán giả được thấy một mạch nguồn văn hóa giàu có, đa dạng mà thống nhất của đất nước, từ hát then, ca trù, nghệ thuật xòe Thái, dân ca quan họ Bắc Ninh, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, đến dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhã nhạc cung đình Huế, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, đờn ca tài tử Nam Bộ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Chương trình có màn trình diễn ấn tượng của 100 nghệ nhân hát xoan và học sinh tiểu học là con cháu của các nghệ nhân 4 phường xoan của Phú Thọ cho thấy ở địa phương luôn có sự trao truyền thế hệ, gìn giữ di sản, bản sắc dân tộc.