Tin mới y tế ngày 25/8: Hiến tạng cứu người – Cho đi là còn mãi
Vượt qua nỗi đau mất người thân, gia đình bệnh nhân chết não ở Hà Nội đã đồng ý hiến tạng để cứu sống nhiều người khác.
Điều phối tạng đa tạng của bệnh nhân chết não cứu giúp nhiều người bệnh khác
Anh ra đi nhưng vẫn cứu giúp nhiều người bệnh khác. Hành động “vượt lên nỗi đau” của gia đình cố bệnh nhân N.Đ.Tr đã thắp lên những hy vọng cho biết bao bệnh nhân đang mòn mỏi chờ đợi một phép màu để cứu giúp họ. Tôi xin gọi anh là “Người viết nên ngọn nến gần tắt”.
Vượt qua nỗi đau mất người thân, một bệnh nhân chết não đã đồng ý hiến tạng để cứu sống nhiều người khác. |
Hơn 23 giờ ngày 22/8, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân N.Đ.Tr, 32 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) được đưa vào Khoa Cấp cứu sau tai nạn giao thông. Dù không có tiền sử bệnh lý trước đó, bệnh nhân đã bị chấn thương đầu nặng và được chuyển viện từ Bệnh viện Bắc Thăng Long đến Bệnh viện Xanh Pôn.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, xuất hiện nhiều dấu hiệu chấn thương nghiêm trọng như hàm mặt sưng nề, tụ máu vùng bụng và chậu. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải đa chấn thương nghiêm trọng chưa xác định rõ ràng.
Sau khi triển khai các xét nghiệm, các bác sỹ quyết định chuyển bệnh nhân vào Phòng mổ – Khoa Gây mê hồi sức để tiến hành các can thiệp cần thiết. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân tiếp tục xấu dần phải chuyển sang Phòng Hồi sức để tiếp tục theo dõi.
Sau 20 phút, bệnh nhân Tr. có dấu hiệu chết não, đội ngũ y bác sỹ tiến hành đánh giá lâm sàng theo quy định. Chị Đinh Thị Thu Nga, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp cận gia đình để động viên, chia sẻ tình trạng bệnh nhân Tr. Gạt đi nước mắt và nỗi đau vợ bệnh nhân Ng. T.H xúc động nói trong tiếng nấc nghẹn ngào “Em và gia đình mong chờ có phép màu đến với anh, nếu phép màu không đến gia đình xin hiến tạng anh để cứu giúp những bệnh nhân khác”.
Nói rồi chị quay đi gạt những dòng nước mắt đang lăn dài trên làn da rám nắng. Vậy là phép màu không đến được với anh, bố mẹ, vợ và hai con nhỏ không níu được sự sống của anh khi ekip bác sỹ đã hết lòng cứu chữa. Ekip đã làm thủ tục đánh giá giá chết não và cả ba lần đều có kết quả như nhau. Anh Tr đã rơi vào tình trạng chết não, sự sống đang khép dần.
Đau đớn trước sự ra đi của người thân, song gia đình bệnh nhân vẫn đưa ra quyết định đầy nhân văn: hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho những người khác.
Tạng của bệnh nhân chết não đã được điều phối để ghép cho các bệnh nhân khác. Anh Tr. ra đi nhưng mang lại sự sống cho bao người. Nghĩa cử của gia đình anh sẽ viết tiếp những câu chuyện đời thường – Cho đi là còn mãi.
Người mắc bệnh đái tháo đường nguy cơ giảm tuổi thọ
Bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 có các bệnh lý tim mạch, thận cùng các chuyển hóa liên quan có nguy cơ giảm tuổi thọ đáng kể, từ 6 năm đến 15 năm.
GS-TS.Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 537 triệu người mắc đái tháo đường type 2, ước tính số bệnh nhân tăng lên khoảng 783 triệu vào năm 2045.
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ tiến triển suy tim cao hơn, việc kiểm soát đường huyết đơn độc chưa đủ để bảo vệ tim mạch, có 44% bệnh nhân nhập viện do suy tim có đái tháo đường type 2. Đồng thời có tới 40% bệnh nhân đái tháo đường type 2 mắc kèm bệnh thận mạn.
Theo GS-TS.Trần Hữu Dàng, bệnh lý tim mạch, thận và các chuyển hóa nếu cùng tồn tại ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 sẽ gây giảm tuổi thọ đáng kể.
Trong đó, bệnh nhân đái tháo đường type 2 có tuổi thọ giảm 6 năm; bệnh nhân đái tháo đường type 2 kèm bệnh thận mạn giảm 9 năm tuổi thọ; đái tháo đường type 2 kèm nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ tuổi thọ giảm 12 năm. Đáng chú ý, ĐTĐ type 2 kèm nhồi máu cơ tim và đột quỵ có tuổi thọ giảm 15 năm.
Việc kiểm soát đường huyết tích cực sẽ giảm xuất hiện biến chứng mạch máu nhỏ và kiểm soát đường huyết tích cực sớm sẽ góp phần giảm biến cố tim mạch và tử vong. Vì vậy, cần phải kiểm soát đường huyết sớm, tích cực và an toàn.
Mục tiêu điều trị bệnh nhân đái tháo đường không chỉ là kiểm soát đường huyết mà còn cần dự phòng và điều trị các biến chứng, nhất là các biến chứng tim mạch – thận.
Sử dụng sớm loại thuốc phù hợp không chỉ kiểm soát đường huyết hiệu quả mà còn cho thấy sự bảo vệ toàn diện tim mạch – thận ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, giúp giảm biến chứng tim mạch, đặc biệt giảm nguy cơ tử vong tim mạch.
Gánh nặng do phế cầu khuẩn gây ra
Tại Hội nghị khoa học “Gánh nặng bệnh tật của phế cầu trên người trưởng thành”, vừa diễn ra ở TP.HCM, chuyên gia cho biết, theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu, năm 2021, cả thế giới có khoảng 344 triệu ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và 2,18 triệu ca tử vong do tình trạng này.
Trong đó, phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra tỷ lệ các ca nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và tử vong cao nhất, với 97,9 triệu ca nhiễm và 505.000 ca tử vong ước tính. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do viêm phổi năm 2021 là 18,2 ca trên 100.000 dân.
Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới (LRTIs) và phế cầu khuẩn, nhưng gánh nặng vẫn còn cao. Nguy cơ mắc bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn (IPD) ở người lớn tăng lên theo tuổi và khi hiện diện một số bệnh đồng mắc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên toàn cầu có 1,6 triệu người chết do bệnh phế cầu khuẩn. Trong đó, có 600.000-800.000 ca là người lớn, chủ yếu do bị viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Hơn 90% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.
PGS-TS.Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ, các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh phế cầu ở người trưởng thành bao gồm tuổi tác (đặc biệt là người trên 65 tuổi) và tình trạng miễn dịch suy yếu.
Người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, gan mạn tính cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh phế cầu. Song song đó, hành vi lối sống như hút thuốc lá và nghiện rượu làm tăng nguy cơ hơn, vì hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, còn nghiện rượu có thể làm suy giảm chức năng gan và hệ miễn dịch.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong sẽ tăng đáng kể theo độ tuổi và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân. Đơn cử, các bệnh nhân tim mạch mạn tính có nguy cơ mắc các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn (IPD) cao gấp 3-7 lần so với người khỏe mạnh; bệnh nhân đái tháo đường sẽ có nguy cơ cao gấp 2-5 lần; bệnh phổi mạn tính có nguy cơ gấp 5-17 lần; bệnh ung thư có nguy cơ mắc IPD cao gấp 23-38 lần…
Tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi cộng đồng (CAP) tăng theo tuổi và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân, tỷ lệ tử vong của viêm phổi xâm lấn do phế cầu thay đổi từ 6% đến 20%.
Tình trạng kháng kháng sinh của phế cầu khuẩn cũng là một vấn đề toàn cầu, dẫn đến thất bại điều trị và tăng chi phí y tế. Bên cạnh đó, gánh nặng tài chính do phế cầu khuẩn gây ra là không hề nhỏ.
Một nghiên cứu vào năm 2004 tại Mỹ ước tính, bệnh phế cầu khuẩn gây ra 4 triệu ca bệnh, 22.000 ca tử vong, 445.000 ca nhập viện, 774.000 lượt khám cấp cứu, 5 triệu lượt khám ngoại trú và 4,1 triệu đơn thuốc kháng sinh ngoại trú.
Không những thế, gánh nặng kinh tế do bệnh phế cầu khuẩn gây ra ở người lớn trên 50 tuổi mỗi năm là khoảng 3,7 tỷ đô la Mỹ chi phí điều trị trực tiếp và 1,8 tỉ đô la Mỹ chi phí gián tiếp. Viêm phổi chiếm 22% số ca bệnh nhưng chiếm tới 72% chi phí chữa trị.
Riêng tại Việt Nam, chi phí điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân viêm phổi cộng đồng là 15-23 triệu đồng (tương đương từ 600-1.000 đô la Mỹ) và thời gian nằm viện trung bình là 6-13 ngày. Vì vậy, vai trò của dự phòng bệnh kịp thời rất quan trọng.
Bên cạnh các biện pháp dự phòng không đặc hiệu như đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc nơi đông người, hạn chế các đường lây truyền… thì dự phòng chủ động bằng vắc-xin là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đối phó với bệnh phế cầu khuẩn.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-258-hien-tang-cuu-nguoi—cho-di-la-con-mai-d223214.html