Chuỗi cung ứng bị gián đoạn đẩy giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng Nguồn cung được cải thiện, giá cà phê xuất khẩu giảm phiên thứ ba liên tiếp |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại tuần giao dịch 12 – 18/2, giá Arabica giảm 2,78% và giá Robusta đánh mất 2,36% so với tham chiếu. Đà giảm diễn ra chủ yếu trong ba phiên đầu tuần khi thị trường phản ứng với tín hiệu tích cực từ nguồn cung và sự mạnh lên của đồng USD.
Giá Arabica giảm 2,78% và giá Robusta đánh mất 2,36% so với tham chiếu |
Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê CECAFE cho biết Brazil đã xuất đi 3,67 triệu bao cà phê dạng hạt, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica tăng 31,1% lên 3,21 triệu bao. Đồng thời, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng gần 9.470 bao, lên khoảng 307.265 bao, lần đầu vượt 300.000 bao kể từ tháng 11/2023. Những sự cải thiện trong xuất khẩu và dự trữ cà phê giúp cải thiện tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 của Mỹ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, khiến dòng tiền từ các thị trường mang tính rủi ro như cà phê chảy sang các thị trường trú ẩn như USD và vàng.
Robusta cũng ghi nhận 3/5 phiên mang sắc đỏ, chủ yếu do tác động từ giá Arabica. Lo ngại về nguồn cung đối với mặt hàng này vẫn hiện diện khi tồn kho tiếp tục giảm về mức thấp kỷ lục.
Tồn kho thấp và lực bán từ Việt Nam không như kỳ vọng sau Tết Nguyên đán đã giúp Robusta tăng mạnh. Trong bối cảnh thiếu hụt cung Robusta toàn cầu, nguồn cung vẫn còn bị ách tắt và tại thị trường nội địa của nhiều nước sản xuất chính vẫn còn hiện tượng kháng giá, các cuộc tấn công khủng bố trên tuyến hàng hải qua Biển Đỏ cũng góp phần làm tăng nhu cầu đối với Robusta Conilon của Brazil.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong hôm qua (18/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng 900 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua quanh mức 80.300 – 81.400 đồng/kg.
Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, giá Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam – nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới.
Xuất khẩu cà phê tăng cả lượng và giá trị đã kéo giá cà phê nội địa lên mức cao |
Những lo ngại liên tục về tình hình nguồn cung, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, cùng với tồn kho trên sàn ICE thấp kỷ lục đẩy Robusta tăng tới 14% tính từ đầu năm đến nay. Đà tăng ở Việt Nam thậm chí còn mạnh hơn khi các thương nhân vẫn đang giữ lại hạt cà phê với kỳ vọng giá cao hơn. Điều này càng làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex- cho hay, trong những ngày Tết Giáp Thìn vừa qua, các đơn hàng của doanh nghiệp đã được chuẩn bị. Vì vậy sau Tết hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường.
Cũng theo ông Nam, hiện tại vấn đề căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến cước phí và thời gian giao hàng tuy nhiên, Intimex và một số doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức FOB (giao hàng tại cảng đi) nên gần như không bị tác động gì.
Theo các chuyên gia thuộc Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (VICOFA), các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Năm 2023, các doanh nghiệp gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6/2023, người dân đã không có cà phê bán. Hiện tồn kho hàng hóa này giảm mạnh, kết hợp cùng một số yếu tố khác trên thị trường là lý do để giá cà phê liên tục lập đỉnh mới.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá hàng hóa sẽ có nhiều thay đổi trong năm nay. Trong tháng 1, giá hầu hết các mặt hàng có xu hướng tăng so với thời điểm tháng 11/2023. Trong đó, cà phê tăng 4-9%, gạo thường trên 6%, xoài cát chu 8%, tôm nguyên liệu (4%), cá nguyên liệu (5-6,7%)…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành 3,2-4,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, sầu riêng sẽ tiếp tục bứt phá trong năm nay.