Lãi suất tăng là chỉ báo tích cực cho nền kinh tế
Lãi suất huy động đã rục rịch tăng trở lại từ cuối quý I, diễn ra trên diện rộng vào quý II và đầu quý III. Từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường đã ghi nhận hàng chục ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, gồm: Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank và mới nhất là VPBank.
Với việc các ngân hàng có quy mô tiền gửi lớn nhất hệ thống như Agribank, VPBank, Sacombank… đều đã tăng lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục lên cao hơn trong thời gian tới.
Báo cáo phân tích của Chứng khoán MBS dự báo, lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.
Nhận định về xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Lãi suất là chỉ báo vô cùng quan trọng cho thị trường tài chính, lãi suất đang có xu hướng tăng, mà chúng ta đều mong muốn lãi suất sẽ giảm xuống nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện chưa có yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất như chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, điều này không hề nguy hiểm, hơn nữa còn có lợi cho nền kinh tế, lãi suất tăng sẽ giúp cân bằng các kênh đầu tư, đồng thời hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng”.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết: “Lãi suất liên ngân hàng quý I chỉ mới 0,3%, sang quý II đã nhảy vọt lên 4%. Điều này cho thấy thanh khoản đang trở nên có vấn đề. Khi tăng trưởng cao, kinh tế phục hồi thì lãi suất cũng cao hơn do nhu cầu vốn tăng lên. Do đó tôi đồng ý với ý kiến rằng dù chúng ta có tìm cách kiềm chế lãi suất, nó vẫn dần tăng trở lại”.
Lãi suất tăng có thể do nợ xấu tăng
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc tăng lãi suất, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Kinh tế – nhận định, hiện tại lãi suất huy động đang dần tăng lên do 2 lý do. Thứ nhất, có thể trong nửa cuối năm các ngân hàng sẽ mạnh tay hơn trong cho vay, do đó phải huy động vốn nhiều hơn, ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để kéo vốn vào.
Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất huy động còn có thể do nợ xấu gia tăng. “Nợ xấu nội bảng tại thời điểm này vào khoảng 4,5%, nếu tính nợ xấu ngoại bảng theo dự tính của tôi vào khoảng 6%. Với nợ xấu tăng cao và nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất huy động sẽ phải tăng, kéo lãi suất cho vay tăng theo.
Khi nguồn vốn cho vay không quay trở lại hệ thống, các ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho tiền gửi cũ đáo hạn. Việc tăng lãi suất huy động nhằm thu hút dòng tiền mới có thể là biện pháp cần thiết để đảm bảo thanh khoản, nhưng nó cũng đẩy chi phí vay lên cao vì các ngân hàng cần giữ biên độ lợi nhuận từ 3-4%” – vị chuyên gia phân tích.
TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo, trong các tháng cuối năm, với các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc hơn, các ngân hàng sẽ mạnh tay cho vay hơn.
“Lãi suất tăng cho thấy hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn vì cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn. Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để tăng huy động và tăng cho vay, mà tại thời điểm này điều đó đã xảy ra. Lãi suất huy động tăng có khả năng kéo theo lãi suất cho vay. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong nửa năm sau của 2024” – TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/tin-hieu-tich-cuc-tu-lan-song-tang-lai-suat-huy-dong-cua-cac-ngan-hang-thuong-mai-1378513.ldo