Ninh Thuận – vùng đất của nắng và gió với những con người chất phác đang từng ngày tìm cách vượt qua khó khăn, kiên trì vươn lên. Trên hành trình ấy, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” ra đời như ngọn đèn hải đăng, dẫn lối cho con tàu tín dụng chính sách vững vàng vượt qua sóng gió, lan tỏa sức sống mới đến từng thôn làng nơi đây.
Đồng thuận từ trên xuống dưới
Ngay trong thời điểm, việc thực hiện công tác tín dụng chính sách ở Ninh Thuận cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang gặp khó khăn thì Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư ra đời. Dưới ánh sáng của Chỉ thị số 40-CT/TW, dòng vốn chính sách như những mạch nước ngầm, len lỏi nuôi dưỡng hy vọng và tạo dựng tương lai, biến những khó khăn chồng chất thành cơ hội để đồng bào nơi đây từng bước “phủ xanh” cuộc sống, gieo mầm no ấm trên mảnh đất đầy nắng và gió như Ninh Thuận…
Ở cấp tỉnh, Chỉ thị số 40-CT/TW đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận cụ thể hóa thành Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 23/4/2015, nhằm triển khai rộng rãi và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ đối tượng chính sách. Cùng với đó, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương…
Ngay sau đó, trên địa bàn toàn tỉnh các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp đã bắt tay vào việc, coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên; Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Một buổi giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ninh Thuận |
Tại Thuận Nam, địa phương nằm ở cửa ngõ phía Nam của Ninh Thuận, dù còn nhiều khó khăn của một huyện mới được thành lập, song các cấp ủy và chính quyền huyện Thuận Nam đã xác định “Tín dụng chính sách xã hội là một trụ cột quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra…”. Ông Châu Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn, song chúng tôi luôn xác định tín dụng chính sách xã hội là trụ cột trong chương trình giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn chính sách không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn là động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế”.
Xuống tận cấp xã, thị trấn việc quan tâm, chấn chỉnh công tác tín dụng chính sách cũng đã được quan tâm thực hiện rốt ráo. Thị trấn Phước Dân nằm ở trung tâm huyện Ninh Phước, cách TP. Phan Rang – Tháp Chàm 8 km về phía tây nam. Trên địa bàn thị trấn có 3 làng nghề truyền thống: Nghề làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, đây là những điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Theo đại diện Đảng ủy thị trấn Phước Dân, trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, chất lượng tín dụng ở địa phương rất thấp, chưa đồng đều. Cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội… Đến ngày 31/12/2014, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại thị trấn khoảng 56 tỷ đồng, nợ quá hạn và nợ khoanh lên đến gần 1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,8% trên tổng dư nợ, lãi tồn đọng hơn 2,4 tỷ đồng. Công tác xét duyệt cho vay của khu phố, tổ tiết kiệm và vay vốn, hội nhận ủy thác chưa chặt chẽ, thiếu khoa học…
Tuy nhiên, ngay sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, hàng năm Đảng ủy thị trấn Phước Dân đều có Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo công tác tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, cấp ủy chi bộ, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội thị trấn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng đơn vị. Nhờ vậy, người dân được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách nhiều hơn, sử dụng vốn hiệu quả hơn. Đến nay, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách trên địa bàn thị trấn Phước Dân lên đến 150 tỷ đồng tăng 93,4 tỷ đồng, tăng 165% so với năm 2014, với 15 khu phố, 64 tổ tiết kiệm và vay vốn và 3.063 hộ vay vốn. Hiện, Phước Dân đang là một trong những xã, thị trấn có dư nợ lớn nhất trong toàn tỉnh.
Bà Lộ Thị Lợi, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước vay 100 triệu đồng từ chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để sản suất sản phẩm dệt thổ cẩm |
Tăng nguồn lực, nâng chất lượng tín dụng
Với cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng thuận từ tỉnh xuống tận cơ sở để thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã có, tuy nhiên ở Ninh Thuận cũng như nhiều địa phương khác, song song với sự quan tâm đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thì sự bổ sung nguồn lực để đẩy mạnh công tác cho vay là một điều rất quan trọng, đặc biệt càng quan trọng đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận.
Thấu hiểu điều đó, thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương; UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường và từ các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn. Đặc biệt, UBND các cấp đã trình HĐND cùng cấp quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã dành một phần ngân sách từ nguồn chi thường xuyên để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn uỷ thác đạt hơn 160 tỷ đồng, tăng gần 130 tỷ đồng kể từ thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW… Những con số này, đối với các tỉnh, thành khác trong cả nước có thể còn khiêm tốn, song đối với một tỉnh nhỏ, còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận thì đây là kết quả của nhiều nỗ lực, cùng chung tay từ chính quyền địa phương đến trực tiếp những người thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.
Quay trở lại với câu chuyện ở Thuận Nam, cũng theo ông Châu Thanh Hải, Bí thư Huyện uỷ, hàng năm Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để bổ sung nguồn vốn. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 5,4 tỷ đồng, dù Thuận Nam mới thành lập còn nhiều khó khăn, song lại là đơn vị có nguồn vốn ủy thác lớn nhất nhì trong các đơn vị cấp huyện trên toàn tỉnh.
Ở Ninh Thuận cũng như các địa phương khác trong cả nước, việc sung nguồn lực để Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh công tác cho vay là một điều rất quan trọng |
Tương tự, theo đại diện Thành uỷ Phan Rang – Tháp Chàm, thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”. Hàng năm, Thành ủy cũng đã chỉ đạo UBND thành phố quan tâm dành một phần ngân sách để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong 3 năm (2021, 2022 và 2023) nguồn vốn ngân sách thành phố uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 4,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Trung ương cùng với nguồn vốn địa phương, trong 10 năm qua hơn 44.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Phan Rang – Tháp Chàm được vay vốn. Tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp cho hơn 5.770 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, hơn 15.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm trên 7.120 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 3,09% (từ 4,06% năm 2014 xuống còn 0,97% năm 2023).
… Có thể nói, đến nay Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách ở Ninh Thuận, góp phần tạo ra những chuyện biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là cho các đối tượng chính sách và vùng sâu, vùng xa. Tín dụng chính sách không chỉ đơn thuần là nguồn vốn mà còn là sợi dây gắn kết niềm tin giữa chính quyền và người dân ở Ninh Thuận. Cụ thể hơn, Chỉ thị số 40-CT/TW không chỉ đơn thuần là một văn bản chính sách mà còn là ngọn đuốc soi đường, dẫn lối cho hành trình phát triển tín dụng chính sách tại Ninh Thuận cũng như cả nước. Đằng sau từng con chữ là một lời cam kết mạnh mẽ của Đảng: Không một ai, dù ở miền núi cao hay vùng biển xa sẽ bị bỏ lại phía sau.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-uu-dai-tren-mien-nang-gio-bai-2-158605.html