Tính đến 28-6, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng nền kinh tế đạt trên 14,3 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.
Chỉ trong 6 tháng, có thêm gần 1 triệu tỉ đồng được bơm ra nền kinh tế. Riêng trong tháng 6-2024, có tới 270.000 tỉ đồng được cho vay ra.
Theo thống kê từ NHNN, tính đến hết tháng 5, tín dụng đối với các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động thương mại… đều tăng trưởng dương.
Hoạt động công nghiệp có mức tăng mạnh mẽ nhất là 5,6% so với cuối năm 2023, đạt hơn 2,5 triệu tỉ đồng. Tiếp đến là hoạt động thương mại, tăng 3,82%, với dư nợ là 3,577 triệu tỉ đồng…
Đáng lưu ý, tín dụng tăng đột biến sau khi NHNN tuyên bố sẽ “mạnh tay” với những ngân hàng tăng trưởng thấp. Cụ thể, NHNN cho biết sẽ rà soát lại khả năng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và điều hòa trong toàn hệ thống.
Từ đó chuyển room tín dụng từ ngân hàng không có nhu cầu sang các ngân hàng có khả năng tăng trưởng để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới.
Ngoài ra, NHNN cũng “dọa” rằng nếu ngân hàng nào cố tình “ôm” room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng, sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm 2025.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng cùng với những chuyển biến từ thị trường bất động sản, tăng trưởng tín dụng bất động sản đã phản ánh phần nào vào tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP.HCM.
Theo ông Lệnh, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Riêng tháng 5, tín dụng tiếp tục tăng trưởng 1,15%, đạt mức dư nợ 992,8 nghìn tỉ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Minh Bình, chủ tịch VietinBank, cho biết tín dụng cuối tháng 6 ước tăng 6%.
Tỉ lệ dư nợ của VietinBank vào lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 40 – 45%. Ông Phạm Toàn Vượng, tổng giám đốc Agribank, cũng cho hay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Agribank tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực là động lực phát triển như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng…
Nhu cầu vay vốn sẽ tiếp tục tăng
Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Vietcombank, chia sẻ tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đến hết ngày 17-6 mới chỉ tăng 2,4% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm là do tình hình kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến nhu cầu mua hàng trên toàn cầu sụt giảm.
Qua đó, nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng FDI, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu… bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, dư nợ tiêu dùng cho vay bất động sản chiếm phần lớn. Thời gian qua, khó khăn về pháp lý, cung bất động sản ra thị trường hạn chế, thu nhập người dân bị giảm… dẫn đến người dân e dè trong việc đầu tư mua sắm.
Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định ngân hàng này tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, với dự kiến sẽ đạt 12% vào cuối năm nay.
Để đạt những con số này, từ nay đến cuối năm, ngân hàng này tiếp tục xem xét để giảm lãi suất cho vay, dù áp lực lãi suất huy động vốn đang tăng lên.
Ông Trịnh Bằng Vũ – trưởng khối khách hàng cá nhân Ngân hàng Shinhan VN – nhận định trong 6 tháng cuối năm nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng, đặc biệt từ giữa quý 3 đến hết quý 4, chủ yếu bởi tình hình kinh tế vĩ mô và năng lực vay vốn của người dân sẽ tích cực hơn.
Tuy vậy, một số yếu tố vĩ mô quan trọng có ảnh hưởng đến ngành ngân hàng như các chỉ số lạm phát, tỉ giá, tăng trưởng GDP… của nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động khó lường làm cho việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện nay hoặc tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ rất khó khăn.
“6 tháng đầu năm nay, lãi suất cho vay bình quân trên thị trường đã rất thấp so với các giai đoạn trước, nhưng tăng trưởng toàn hệ thống mới đạt gần 5%. Trong bối cảnh đó, ngân hàng nào có mức tăng trưởng tín dụng thấp trong 6 tháng đầu năm sẽ muốn đẩy mạnh trong các tháng còn lại, và có thể ngược lại với các ngân hàng có mức tăng trưởng nhanh hơn”, ông Vũ nhận định.
Tín dụng sẽ cán đích cuối năm?
Tại báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu cho vay và nền kinh tế phục hồi. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm dự báo ở mức 12 – 13%.
VCBS cho rằng những động lực cho tăng trưởng tín dụng là hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm và có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ nửa cuối 2024. Từ đó kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà.
Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% vào năm 2024 với mức tăng trưởng GDP dự kiến 6,3 – 6,5%. Trong đó, lĩnh vực tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ có nhu cầu tín dụng cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tin-dung-tang-dot-bien-vi-dau-20240710232753204.htm