Trong bài viết “Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc” nhân dịp đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; ngay từ năm 2025 phải nỗ lực tối đa, tạo những yếu tố đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% hoặc phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi; trên cơ sở đó tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026.
Kinh tế số, kinh tế xanh, động lực mới tăng trưởng của ngân hàng Tăng trưởng tín dụng năm 2025 dự kiến khoảng 16% |
Tín dụng dự kiến tăng 16%
Với mục tiêu tăng trưởng như trên, cần huy động các nguồn lực trong nền kinh tế, trong đó dòng vốn ngân hàng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, vừa qua, NHNN cũng đã có văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025. Theo đó, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16% và tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là động thái chủ động của NHNN để các TCTD làm căn cứ xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng phù hợp ngay từ đầu năm. Con số tăng trưởng dự kiến 16% đã được cơ quan điều hành cân nhắc và tính toán dựa trên tình hình thực tế và phù hợp với định hướng tăng trưởng kinh tế của năm 2025.
Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; ngay từ năm 2025 phải nỗ lực tối đa, tạo những yếu tố đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% hoặc phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi; trên cơ sở đó tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Giới chuyên môn cũng nhận định tăng trưởng tín dụng ở mức 16% trong năm 2025 là phù hợp và khả năng sẽ đạt được. Trong báo cáo mới nhất, MBS Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ đạt 15 – 16% dựa trên hai yếu tố chính. Đó là từ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025 được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất và thương mại cải thiện nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ tạo điều kiện để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm nay. Hai là tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao dự kiến sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Còn theo Công ty chứng khoán ACB (ACBS), kênh trái phiếu doanh nghiệp dự báo chưa sớm phục hồi nên tín dụng ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng. Đồng thời, ACBS cũng kỳ vọng thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phục hồi dần cộng với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, từ đó kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, hỗ trợ cho lợi suất cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2025.
Theo TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, mối quan hệ tương hỗ giữa tăng trưởng tín dụng với GDP đã rất rõ trong những năm qua. Tín dụng đóng vai trò quan trọng cho “cỗ xe tam mã” đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu so với năm 2024, tăng trưởng tín dụng dự kiến 16% trong năm 2025 chỉ cao hơn một chút, nhưng con số tuyệt đối nguồn vốn được đẩy ra nền kinh tế sẽ gia tăng đáng kể.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến việc đảm bảo chất lượng nguồn vốn vay, bởi lẽ, nợ xấu vẫn là nỗi lo thường trực của ngành Ngân hàng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường. Vì thế, song song với việc thúc đẩy tín dụng, các nhà băng cần chú trọng nắn dòng vốn hướng tới những lĩnh vực ưu tiên, là bệ phóng trong tăng trưởng kinh tế, tránh để dòng vốn đi vào những khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, nâng cao khả năng đánh giá, thẩm định tín dụng.
Lãi suất giảm thấp đã hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp |
Tiến tới bỏ “room” tín dụng
Bên cạnh dự kiến mức tăng trưởng tín dụng, NHNN cũng cho biết tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Việc tiến tới bỏ “room” tín dụng đã được luận bàn rất nhiều trong thời gian vừa qua để đảm bảo đưa tăng trưởng tín dụng quản lý theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng tình nhận định cần phải có một lộ trình cụ thể, thận trọng để từng bước bỏ cơ chế điều hành tín dụng hiện tại.
Theo TS. Châu Đình Linh, việc NHNN phải duy trì chính sách cấp hạn mức tín dụng từ năm 2011 cũng là xuất phát từ điều kiện thực tế của Việt Nam. Bài học kinh nghiệm của giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, thiếu kiểm soát đã để lại hậu quả hết sức nặng nề như chạy đua lãi suất, nợ xấu tăng mạnh… Gỡ bỏ room tín dụng chắc chắn là nên làm, nhưng NHNN cần đưa ra một lộ trình cụ thể, rõ ràng và các điều kiện để có thể bỏ công cụ này mà vẫn đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng. Dù thời gian qua các ngân hàng đã rất nỗ lực cải thiện năng lực tài chính, quy mô hoạt động nhưng có một thực tế vẫn có sự phân hóa “sức khoẻ” giữa các ngân hàng. Hiện tại, đã có nhiều ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II, thậm chí có ngân hàng áp dụng một số quy định của Basel III. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cũng có ngân hàng chưa áp dụng được chuẩn Basel II. Vì vậy, nếu không có giới hạn, tăng trưởng tín dụng rất dễ vượt qua khả năng quản trị của một số ngân hàng. Trong khi tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng… ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam khẳng định, hiện Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, giải toả những khó khăn trên thị trường vốn và nền kinh tế. Nhưng gánh nặng cung ứng vốn vẫn tiếp tục đặt lên vai hệ thống ngân hàng. Việt Nam cũng là nước được nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo dư nợ
tín dụng/GDP đã ở mức cao. Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, công cụ room tín dụng sẽ phần nào đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP.
“Trong một lộ trình cụ thể có thể cân nhắc đến việc dỡ bỏ công cụ room tín dụng. Tuy nhiên, cần được tiếp cận một cách thận trọng, từng bước thực hiện đảm bảo đồng bộ các điều kiện cần thiết và phù hợp với điều kiện thị trường”, TS. Lê Duy Bình khuyến nghị và lưu ý, để có thể bỏ “barie” tín dụng thì trước tiên, cần phát triển thị trường vốn đa dạng hơn, giảm áp lực vốn trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng. Tiếp đến, quan trọng là củng cố nội lực, sức khoẻ của các nhà băng. Chính các ngân hàng phải tự nâng cao sức đề kháng, chứng minh được khả năng quản trị rủi ro tốt của mình.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-tang-cao-hon-tao-dong-luc-cho-kinh-te-tang-toc-159546.html