08:00, 04/04/2023
Trước tình hình nền kinh tế đang dần ổn định và khôi phục, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh. Bên cạnh những yếu tố như nguyên liệu đầu vào, sự ổn định của thị trường đầu ra sản phẩm… vấn đề được DN sản xuất quan tâm nhất là nguồn vốn tín dụng với số lượng lớn, lãi suất hợp lý trong những thời điểm nhất định.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có hơn 11 nghìn DN đang hoạt động, với tổng số vốn điều lệ là 116.492 tỷ đồng, quy mô bình quân 10,7 tỷ đồng/DN. Theo nhiều DN, thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh cơ bản đã tạo điều kiện hỗ trợ DN trong việc xoay vòng vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, để việc hỗ trợ này hiệu quả hơn nữa, ngành ngân hàng cần nghiên cứu có những cơ chế đặc thù đối với DN sản xuất, đặc biệt là trong mùa vụ cao điểm.
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Anh Coffee (lô C, đội 9, Cụm công nghiệp Tân An, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Đỗ Lan |
Đại diện Công ty TNHH Anh Coffee (lô C, đội 9, Cụm công nghiệp Tân An, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, đối với DN sản xuất thường phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ và cần một khoản vốn lớn trong những thời điểm nhất định. Và nếu nhu cầu vốn của DN “rơi” vào thời điểm các ngân hàng “siết” room tín dụng như giai đoạn cuối năm 2022 vừa qua sẽ khiến DN rất bị động. Cùng với đó, để phục vụ công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường có những văn bản khiến công tác giải ngân của các tổ chức tín dụng bị gián đoạn mà DN không thể lường trước được, dẫn đến hệ lụy là hoạt động kinh doanh của DN cũng thường xuyên bị gián đoạn. Do đó, Công ty TNHH Anh Coffee mong muốn sẽ có những ưu đãi đặc biệt và riêng biệt đối với ngành sản xuất.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, tính đến nay, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh là 19.656 tỷ đồng (chiếm 68,64% dư nợ cho vay doanh nghiệp), với 2.923 khách hàng vay vốn.
|
Theo vị này, nên tách biệt tín dụng phục vụ sản xuất với các ngành nghề kinh doanh dịch vụ thương mại khác để có những gói tín dụng riêng cho sản xuất. Như vậy, những đơn vị vừa hoạt động thương mại, vừa hoạt động sản xuất sẽ dễ dàng, chủ động hơn trong việc tiếp cận dòng vốn. Một yếu tố khác mà DN nói chung, DN sản xuất nói riêng hiện cũng rất quan tâm là vấn đề lãi suất. Trong giai đoạn vật tư đầu vào liên tục tăng giá như hiện nay, nếu lãi suất ngân hàng không hợp lý sẽ gây nhiều khó khăn cho DN. Đặc biệt, việc tăng – giảm lãi suất trong ngắn hạn cũng khiến DN đánh mất thế chủ động trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh của mình. “Hiện nay, tuy tình hình lãi suất đang có chiều hướng giảm xuống, nhưng vẫn rất khó đoán. Liệu lãi suất khi nào giảm, giảm bao nhiêu?, đó là câu hỏi mà công ty rất mong muốn biết”, đại diện Công ty TNHH Anh Coffee chia sẻ.
Những khó khăn trong việc vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất theo mùa vụ rất khó khăn do room tín dụng bị hạn chế, ảnh hưởng đến tính kịp thời, mùa vụ của DN là khó khăn chung của nhiều đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nhiều DN mong muốn trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ có những cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù riêng theo mùa vụ đối với những doanh nghiệp sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods (số 51, thôn 6A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc), mặc dù công ty hiện đang vay vốn ngân hàng khá ít, nhưng thời gian qua việc lãi suất ngân hàng tăng khiến đơn vị nhìn chung gặp khó khăn. Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng cần có những chính sách đảm bảo lãi suất ổn định, hợp lý để hoạt động sản xuất của đơn vị thuận lợi hơn.
Sản xuất nấm linh chi tại Công ty CP Thực phẩm xanh Thành Đồng, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Hoàng Gia |
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN), hiện nay diễn biến giá xăng dầu vẫn tăng, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao làm chi phí hoạt động và giá thành sản phẩm tăng; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay điều chỉnh tăng từ quý IV/2022 và hiện vẫn đang ở mức rất cao, cộng với giá điện được điều chỉnh tăng đã làm ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh của người dân, DN trên địa bàn. Để giải quyết khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của DN nói chung, DN sản xuất nói riêng, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tốt những nội dung Chương trình hành động của ngành; triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển DN. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, bảo đảm an toàn vốn vay và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt, trên địa bàn Đắk Lắk, NHNN đã có tổ công tác để làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan để rà soát tình hình tiếp cận vốn vay của các DN; tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – DN để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng. Cùng với đó, NHNN vẫn đang đẩy mạnh chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cũng đang có những chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ DN. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất, kinh doanh với lãi suất chỉ từ 7%/năm; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) triển khai chương trình ưu đãi cho vay đối với DN với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm và quy mô gói vay lên tới 100.000 tỷ đồng, từ nay đến hết ngày 30/6/2023…
Hy vọng với những động thái quyết liệt trên, ngành ngân hàng sẽ sớm nắm bắt những khó khăn liên quan để kịp thời tháo gỡ, xử lý, giúp DN phát triển ổn định trong thời gian tới.
Đinh Hằng