Hạ lãi suất cho vay để kích cầu
Dòng vốn tín dụng đã được “nới van”, mang lại tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản. Ngay đầu tuần vừa qua, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm về mức thấp kỷ lục, chỉ 2,2%/năm với kỳ hạn 1 – 2 tháng, 4,8%/năm với kỳ hạn 12 – 24 tháng.
Cùng với lãi suất gửi tiết kiệm đã giảm sâu, hàng loạt ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay mua nhà về mức thấp nhất là dưới 6%/năm.
Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu cho khách hàng vay ở mức 6,25%/năm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đưa ra mức lãi vay 7,5%/năm trong 18 tháng hoặc 24 tháng đầu tiên…
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng có chính sách lãi suất cho vay mua nhà thấp, dưới 8%/năm như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) có mức lãi suất 7,5%/năm, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là 7,5%/năm, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) là 7,6%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là 7,9%/năm.
Theo nhận định của các chuyên gia, lãi suất cho vay mua nhà để ở đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Lý do khiến các ngân hàng có thể giảm mạnh lãi suất cho vay mua nhà là do mặt bằng lãi suất huy động cũng giảm rất mạnh so với thời gian trước và các ngân hàng cũng đang tạm “dư thừa” vốn huy động khá lớn.
Khi ngân hàng đưa ra động thái sẽ hạ lãi suất, nhiều nhà đầu tư đã tính đến việc chuyển dòng tiền gửi sang mua bất động sản. Tuy nhiên, lượng khách tìm mua chỉ nhằm đến dòng sản phẩm có giá trị thấp từ 1 – 3 tỷ đồng là chủ yếu. Hoặc nhóm khách hàng thực sự muốn mua nhà để ở.
Chị Trần Thị Hồng Hạnh – nhà đầu tư cho biết: “Khi lãi suất ngân hàng về mức rất là thấp, nếu có dòng tiền nhàn rỗi thì mua bất động sản là phương án tốt nhất. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều người dân ở các tỉnh lân cận Hà Nội đang tìm mua nhà ở trong các quận nội đô. Nhóm khách hàng này có nguồn tài chính rất ổn định nên tìm được sản phẩm hợp lý, họ sẵn sàng “xuống tiền” luôn”.
Ngoài ra, để kích cầu bất động sản, các chủ đầu tư dự án cũng đưa ra nhiều phương án hỗ trợ tài chính rất hợp lý. Phổ biến trên thị trường là hình thức hỗ trợ lãi suất 0% với thời hạn từ 18 – 24 – 36 tháng. Với khách không cần vay vốn thì chủ đầu tư chiết khấu thẳng vào giá bán từ mức 5 – 10%.
Ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, trong tháng cuối năm này, hoạt động mua bán bất động sản đã sôi động hơn rất nhiều. Đặc biệt, tại các dự án chung cư, các dự án đã có sổ hồng giao dịch rất tốt. Việc ngân hàng giảm lãi suất giúp người dân có nhiều cơ hội hơn khi mua nhà. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng ổn định hơn.
Hiện nay, ngoài động thái nới tín dụng từ phía ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, thị trường cần được củng cố thêm niềm tin xuất phát từ phía chủ đầu tư về minh bạch tính pháp lý của các dự án.
Kỳ vọng lãi suất ổn định
Diễn biến trên thị trường bất động sản đã cho thấy, khi mặt bằng lãi suất giảm sẽ kích thích giao dịch đi lên. Các doanh nghiệp cũng đang rất cần vốn để phát triển dự án, cải thiện nguồn cung. Với mức lãi suất huy động giảm sâu như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm thêm và giữ mức ổn định lâu dài.
Một số doanh nghiệp đã tiếp cận được khoản vay thấp mong muốn thời hạn vay ưu đãi sẽ kéo dài hơn. Bởi các khoản vay bất động sản thường kéo dài từ 5 – 10 năm, nhưng ngân hàng chỉ cho vay lãi suất thấp trong 1 năm đầu tiên, sau đó là thả nổi.
“Các ngân hàng đang cho vay ở mức thấp nhưng thời gian tối đa 12 – 18 tháng. Những năm sau sẽ áp dụng mức lãi suất thả nổi theo thị trường. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn vì không nắm rõ được diễn biến lãi suất như thế nào. Trong khi vòng đời của một dự án bất động sản thường kéo dài 5 – 7 năm. Phía ngân hàng cũng không thể tính được lãi suất trong tương lai sẽ biến động ra sao. Vì vậy, các ngân hàng khó có thể cố định mức vay ưu đãi suốt cả chu kỳ vay” – ông Lâm Vinh – Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc An Phát cho biết.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, hết quý III, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng sử dụng chiếm 64%, dư nợ với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%.
Như vậy, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng mạnh và đạt khoảng 986.400 tỷ đồng. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn đã dần phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện tại các ngân hàng muốn tập trung cho vay các dự án được Chính phủ khuyến khích như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoặc các dự án bất động sản phân khúc tầm trung vì khả năng thu nợ đối với các sản phẩm bất động sản này khả thi, đáp ứng đúng nhu cầu ở của thị trường. Các gói vay dành cho doanh nghiệp rất dễ tiếp cận và lãi suất thấp.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, ngân hàng không siết bất động sản và luôn xem nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản bình đẳng như các lĩnh vực khác. Các ngân hàng thương mại vẫn cấp tín dụng cho bất động sản với mức tăng trưởng cao và dư nợ lớn năm qua. Với các dự án, phương án vay vốn khả thi, ngân hàng cho vay theo đúng quy định. Phía ngân hàng chỉ kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng với một số phân khúc bất động sản có rủi ro cao, phân khúc có tính đầu cơ dẫn đến tình trạng bong bóng.
Bất động sản là ngành đang đóng góp 11% GDP, có quan hệ mật thiết với các ngành nghề khác. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp không ít khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị siết lại, cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch… Những yếu tố này khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngừng trệ. Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp cấp bách khơi thông thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sang năm 2024, với trợ lực từ lãi suất, các vấn đề về chính sách, thủ tục pháp lý sẽ được tháo gỡ giúp thị trường sớm phục hồi trở lại.