Những con số mang ý nghĩa lớn lao
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội” do Ngân hàng Chính sách Xã hôi (NHCSXH) phối hợp cùng Học viện Chính chị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội sáng 16/8, ông Dương Quyết Thắng – Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, đến 31/7, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325.000 tỷ đồng.
Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 109.000 tỷ đồng, chiếm 35,7%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo gần 30.000 tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với gần 540.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75.000 tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đã giúp cho gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29.700 căn nhà ở xã hội, gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động…
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 2001 – 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 – 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 – 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 -2021 từ 9,88% xuống 2,23%.
Đồng thời, góp phần thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh).
Thành công của mô hình luôn lấy người dân làm trung tâm
Điều quan trọng nhất là tín dụng CSXH đã rất gần dân, luôn lấy người dân, hộ gia đình làm trung tâm, luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ người nghèo.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, lợi ích dưới góc độ kinh tế của NHCSXH là rất cao. Cao ở đây không phải là lợi nhuận ngân hàng thu về bao nhiêu, lợi nhuận ở chỗ dòng vốn tín dụng này đã góp phần tạo cuộc sống tốt hơn cho người vay, giúp người vay thoát nghèo.
“Chính sự thay đổi đó của người nghèo là lợi ích của NHCSXH, của cả xã hội. Đó là giảm được đói nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tối thiểu,….
Hiệu quả xã hội cùng với hiệu quả kinh tế kết hợp lại làm nên hiệu quả có ý nghĩa chính trị, đó là khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Cái lớn hơn nữa là tạo được niềm tin của người nghèo và niềm tin của cả những người không thuộc diện nghèo.”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức nhận uỷ thác vốn lớn nhất của NHCSXH, bà Hà Thị Nga – Chủ tịch Hội LHPNVN – cho biết, trong 6,6 triệu khách hàng của NHCSXH, có tới 4,4 triệu khách hàng là phụ nữ nghèo, chiếm trên 66% số lượng khách hàng. Con số này hết sức có ý nghĩa, không chỉ nói lên vai trò của NHCSXH trong việc giúp cho các hộ gia đình thoát nghèo mà còn góp phần thực hiện bình đẳng giới.
Với phụ nữ nghèo, nguồn vốn của NHCSXH thực sự là điểm tựa vững chắc, để họ có cơ hội được trao quyền năng kinh tế, giúp họ tự chủ, tự tin hơn trong việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo. Có những hộ thoát nghèo và trở thành hộ giàu, thậm chí có chị phụ nữ hiện đã rất vững vàng trong điều hành doanh nghiệp của mình, xuất phát ban đầu của họ chính là từ việc tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH.
“Nguồn vốn của NHCSXH đối với phụ nữ không chỉ đem lại giá trị là có nguồn vốn cho phát triển kinh tế hộ, mà thông qua việc tham gia trở thành khách hàng của NHCSXH, bản thân mỗi phụ nữ lại có thêm cơ hội phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng để họ biết cách sử dụng đồng vốn hiệu quả.”, bà Hà Thị Nga nói.
Chủ tịch Hội LHPNVN cho rằng khi người phụ nữ chủ động, tự tin trong phát triển kinh tế hộ gia đình, bản thân họ cũng tự tin để tham gia các hoạt động xã hội, và tự tin hơn trong quá trình đóng góp trong sự phát triển chung về KT-XH của đất nước.
Ông Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc – cho biết, thông qua chính sách tín dụng đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên và giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn đọng. Trong đó vấn đề quan trọng nhất là từng bước thay đổi tư duy, nhận thức về ý chí tự lực tự cường, tự vươn lên trong cuộc sống thông qua việc thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện chính sách tín dụng trong từng giai đoạn.
“Hiện nay còn khoảng 20 chính sách tín dụng có hiệu lực đang được áp dụng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Các chính sách này đã tác động trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đến đời sống của đồng bào, bao trùm toàn diện cả lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, xã hội,… chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực phát triển kinh tế.”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Ngọc Tuân