Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), cho biết kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay NHCSXH đã tạo điều kiện giúp trên 21,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Theo lãnh đạo NHCSXH, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đạt 373.010 tỷ đồng, tăng 238.338 tỷ đồng (gấp gần 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của tín dụng CSXH đạt 10,8%.
Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng 43.542 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40. Hiện 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,5%.
Trong tổng dư nợ tín dụng CSXH, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 124.020 tỷ đồng, chiếm 35,3%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo 34.309 tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với hơn 556.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 86.900 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ với trên 1,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
“Từ kết quả sau gần 22 năm triển khai tín dụng CSXH và nhất là sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã khẳng định vai trò của tín dụng CSXH trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, ông Huỳnh Văn Thuận nói.
Đến nay, tín dụng CSXH đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Có thể khẳng định Chỉ thị 40 đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, hợp với ý đảng lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó khẳng định NHCSXH là một định chế tài chính công thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách do Chính phủ giao.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định vị trí quan trọng; phát huy hiệu lực, hiệu quả kịp thời về hỗ trợ tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó góp phần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm theo Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XIII, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, giữ vững định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Với phương thức quản lý vốn tín dụng đặc thù, hiệu quả, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng xã hội. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm; chủ động vay vốn để đầu tư SXKD, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống, từng bước tiếp cận với nền sản xuất hàng hoá nhờ quan hệ tín dụng có vay có trả; xoá bỏ tư duy trông chờ ỉ lại vào chế độ cấp phát, cho không của nhà nước.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-dat-373-010-ty-dong-2311005.html