- Sóc Trăng lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện xóa đói, giảm nghèo
Theo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng toàn tỉnh hiện có 109 điểm giao dịch xã tại các xã, phường, thị trấn giải quyết trên 95% khối lượng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội với khách hàng. Năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách được giao tăng trưởng 541 tỷ đồng (tăng 13,6%) so với cuối năm 2021. Từ nguồn vốn tăng trưởng trong năm đã góp phần tăng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt 4.447 tỷ đồng (tăng 468 tỷ đồng so với đầu năm 2022), với hơn 152.000 khách hàng còn dư nợ; dư nợ bình quân 1 hộ là 29 triệu đồng, tăng 2,6 triệu đồng so với cùng kỳ. Nguồn vốn tín dụng chính sách tăng trưởng trong năm đã kịp thời hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 43.840 lượt hộ; giúp 18.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh chỉ còn 15.139 hộ nghèo, tỷ lệ 4,54%; hộ cận nghèo là 26.242 hộ, tỷ lệ 7,87%.
Tính đến 31/5/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 4.637 tỷ đồng, tăng 2.389 tỷ đồng, tương đương tăng 2,06 lần so với năm 2014. Ngân hàng Chính sách xã hội đang theo dõi và quản lý là 152.367 khách hàng, chiếm 45,86% số hộ dân toàn tỉnh được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nợ quá hạn và nợ khoanh 329 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,09% trên tổng dư nợ.
Tính chung trong 9 năm qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho 377.727 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với doanh số cho vay 8.808 tỷ đồng, bình quân 978,7 tỷ đồng/năm. Qua đó, toàn tỉnh có hơn 85.059 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tính đến cuối năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện còn 15.139 hộ, chiếm tỷ lệ 4,54% tổng dân số.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh Sóc Trăng vận động tiền gửi tiết kiệm vào Ngân hàng chính sách xã hội, đến 31/5/2023, số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 168 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với năm 2014.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xem đây, là nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh và phòng giao dịch cấp huyện tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chỉ thị của Trung ương và địa phương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đồng thời tập trung triển khai thực hiện tốt công tác kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, hạn chế mức thấp nhất tổ hoạt động chưa hiệu quả; nghiêm túc đánh giá công tác xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan theo đúng quy định; từ đó đôn đốc dần nợ khoanh. Triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với nội dung hoạt động củng cố nâng cao chất lượng tín dụng. Kịp thời khen thưởng, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và tập trung mọi nguồn lực tại chỗ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Tỉnh cũng sẽ cân đối, bố trí ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn uỷ thác tối thiểu 15% tổng nguồn vốn tăng trưởng tín dụng để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác chiếm 15%/tổng nguồn vốn.
Song song đó, tỉnh có kiến nghị, với bộ, ngành trung ương bổ sung đối tượng hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo được tiếp tục thụ hưởng chính sách tín dụng; nâng mức cho vay tối đa đối với các chương trình như, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình tăng 20 triệu đồng/công trình; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quan tâm giao bổ sung nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách cho tỉnh Sóc Trăng hàng năm tăng trưởng từ 10%-15%; trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển các khu công nghiệp.