Dòng vốn tín dụng chính sách thông qua tổ tiết kiệm vay vốn đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc để các hộ nghèo tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên quê hương cách mạng.
Thái Nguyên: Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách Quả ngọt từ ủy thác vốn tín dụng chính sách |
Điểm tựa để người dân thoát nghèo
Theo chân ông Nguyễn Văn Năng, Tổ trưởng tổ vay vốn Hội Phụ nữ thôn Ngãi Thắng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi đến thăm nhà ông Phạm Hữu Tường – một trong những hộ gia đình đang vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo chương trình cho vay giải quyết việc làm.
Trên đường đi, ông Năng chia sẻ với đoàn, gia đình ông Tường là một trong những tấm gương điển hình thoát nghèo nhờ nguồn tín dụng chính sách. Cách đây 6,7 năm, đây là gia đình thuộc diện hộ nghèo của thôn, đời sống gặp nhiều khó khăn, vợ chồng lam lũ, vất vả nuôi hai đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi học.
Nhưng nhờ được tạo điều kiện vay vốn chính sách, cùng với sự cần cù, chịu khó, gia đình ông Tường đã phát triển mô hình chăn nuôi bò kết hợp trồng rừng, có những thời điểm đàn bò lên tới hàng chục con. Nhờ đó, hai con ông có điều kiện học lên đại học và giờ đang có công ăn việc làm ổn định.
Vợ chồng ông Phạm Hữu Tường – một trong những hộ gia đình đang vay vốn từ NHCSXH – đã phát triển chăn nuôi nhờ vay vốn chính sách |
Gia đình ông Tường giờ đây đã vươn lên thoát nghèo và lại tiếp tục tìm đến điểm tựa là dòng vốn chính sách để phát triển hơn nữa kinh tế gia đình. Dẫn đoàn đi nơi chăn nuôi thỏ của gia đình, ông Tường vui mừng cho biết, hiện gia đình đang nuôi 120 con thỏ kết hợp với trồng rừng, đem lại nguồn thu tương đối ổn định. Trong thời gian tới, ông dự định sẽ mở rộng quy mô thành trang trại chăn nuôi thỏ, không chỉ đem tới thu nhập cho gia đình mà còn có thể tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho nhiều hộ gia đình trong thôn đang làm theo.
“Thật sự gia đình tôi vô cùng biết ơn nguồn vốn ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã giúp chúng tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, con cái được học hành đàng hoàng, gia đình vươn lên thoát nghèo. Vợ chồng tôi tuổi cũng cao, không thể lao động việc nặng được, nguồn vốn này đã tạo công ăn việc làm cho chúng tôi, giúp gia đình tôi phát triển kinh tế”, ông Tường chia sẻ.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Đỗ Văn Hùng, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sơn Dương cho biết, Sơn Dương là huyện có diện tích lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang với 31 xã, trong đó có tới 25 xã thuộc khu vực III, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 72 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, 14 xã vùng ATK, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH kết hợp với 4 tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thiết lập thành mạng lưới tổ chức, quản lý vốn chính sách đặc thù, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.
Toàn huyện Sơn Dương hiện có 517 tổ tiết kiệm vay vốn, trong đó, Hội Nông dân có 133 tổ, Hội Liên hiệp Phụ nữ 148 tổ, Hội Cựu chiến binh 130 tổ và Đoàn Thanh niên 106 tổ. Các tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tổ chức bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn ưu đãi; giám sát các tổ viên trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện tốt công tác thu lãi, thu tiền tiết kiệm hằng tháng do ngân hàng ủy nhiệm. Đồng thời, các tổ cũng thường xuyên giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống và tích cực tuyên truyền nhân dân cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn.
Phối hợp nâng cao hiệu quả vốn chính sách
Đồng hành cùng chính quyền địa phương và người dân trong hành trình thoát nghèo và thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới, NHCSXH huyện Sơn Dương đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa người dân tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế. Cụ thể, tính tới ngày 25/12/2023, NHCSXH huyện Sơn Dương đã có tổng dư nợ tín dụng đạt 831 tỷ 939 triệu đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt 253 tỷ 304 triệu đồng, cho vay hộ cận nghèo đạt 160 tỷ 663 triệu đồng và cho vay dành cho học sinh sinh viên đạt 3 tỷ 210 triệu đồng, công tác giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao. Dòng vốn tín dụng chính sách đã trở thành nhịp cầu nối hỗ trợ người dân xoá đói, giảm nghèo.
Bên cạnh việc phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, ông Vũ Thế Anh – Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngân hàng cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua các cơ quan báo chí giúp người dân không những tiếp cận được vốn vay mà còn giúp hiểu hơn về các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
“Ngân hàng đã phối hợp với các sở ngành liên quan để chuyển giao tiến bộ về khoa học kỹ thuật để khi người dân tiếp cận được nguồn vốn sẽ sử dụng vốn đúng mục đích, áp dụng khoa học, kỹ thuật tạo hiệu quả và gia tăng thu nhập giúp người dân vươn lên thoát nghèo”, ông Vũ Thế Anh chia sẻ thêm.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung và huyện Sơn Dương nói riêng trong thời gian qua đã giảm đáng kể. Theo báo cáo, tới cuối năm 2023, số hộ nghèo tại huyện Sơn Dương đã giảm 3.206 hộ, đạt 185,96% so với kế hoạch, hộ cận nghèo giảm 1.291 hộ, đạt 287,53% so với kế hoạch. Như vậy, tổng số hộ nghèo và cận nghèo tại huyện Sơn Dương chỉ còn chiếm 17,73% tổng số hộ.
Trong thời gian tới, theo ông Đỗ Văn Hùng, NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp hiệu quả với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác từ cấp ủy đến cơ sở, nắm bắt, cập nhật từng hộ gia đình để đưa nguồn vốn tín dụng chính sách tới đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả nhất, góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo của người dân và phát triển kinh tế địa phương.
Theo định hướng của tỉnh Tuyên Quang, mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, Sơn Dương sẽ về đích nông thôn mới với 31/31 xã đạt chuẩn. Mà tính đến cuối năm 2022, Sơn Dương mới chỉ có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nên chặng đường phía trước còn rất dài mới đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, chính quyền địa phương tin tưởng rằng với nguồn vốn từ NHCSXH và sự nỗ lực của các cơ quan liên quan, cố gắng vươn lên của người dân, Sơn Dương sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, trở thành mảnh đất không chỉ giàu truyền thống lịch sử mà còn tiêu biểu trong phát triển kinh tế – xã hội.