(ĐS 21/6) – Tìm tư liệu chưa từng công bố để viết cho chuyên mục “Đất và người xứ Quảng” trên báo Quảng Nam cuối tuần là chuyện thú vị nhưng không dễ dàng. Tòa soạn có thể nhanh chóng tìm trên Google những tư liệu được sử dụng trùng lặp để gác lại bài; bù lại, tác giả sẽ rất sảng khoái khi thấy những “tư liệu không đụng hàng” của mình được chấp nhận và cho đăng trên mặt báo. Xin kể lại chuyện tìm được một số tư liệu chữ Nho đặc biệt.
Mấy bài thơ vương giả
Năm 2011, khi tìm tư liệu viết về làng Khương Mỹ ở bờ nam sông Tam Kỳ, tôi đến nhà thờ tộc Trần Hưng ở thôn Khương Mỹ (xã Tam Xuân I, Núi Thành). Đây là nơi thờ ông “quan Án sát họ Trần” được người địa phương truyền tụng là người có quyền “tiền trảm hậu tấu”.
Sau nhiều lần thuyết phục, các thành viên có trách nhiệm trong gia đình mới cho tiếp cận bộ ảnh chụp (được lưu trong usb) các tư liệu thuộc về ông Trần Hưng Nhượng. Bộ ảnh này gia đình dự định gửi ra Huế để nhờ các chuyên gia Hán Nôm ngoài đó dịch.
Soi ảnh, đọc tư liệu, tôi phát hiện bên cạnh các sắc phong và bằng cấp thể hiện hành trình làm quan của ông Trần Hưng Nhượng có hai bài thơ trên giấy điệp vàng của hoàng gia. Một là bài “Tiễn Trần tri phủ phó nhậm” do chính hoàng tử Hồng Nhậm (sau là vua Tự Đức) viết tặng thầy giáo (sư phó) của mình là ông Trần Hưng Nhượng khi ông này rời việc dạy các hoàng tử trong cung vua để ra làm tri phủ ở An Nhơn, Bình Định.
Bài thơ thứ hai được khắc và in mực đỏ có tên “Nguyên nhật tứ yến thị quần thần” (Ngày đầu năm bày tiệc để khuyến khích quần thần). Qua nội dung và tra cứu sử liệu, biết được bài thơ này được chính vua Tự Đức viết và cho khắc in tặng các quan nhân tiệc đầu năm 1859 mừng việc quân ta chiến đấu thắng lợi buộc quân Pháp phải rút khỏi Đà Nẵng (1858). Sau đó, bài viết về hai bài thơ này đã được Quảng Nam cuối tuần đăng tải.
Nét chữ Hà Đình lưu lạc ở thôn Diêm Phổ
Năm 2020, khi tìm tư liệu về võ quan thủy binh Võ Viết Kiểm ở một gia đình ở chợ Cây Trâm (thôn Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam, Núi Thành), tôi nghe nói ở nhà lương y Phạm Tấn Tuấn gần đó có mấy hoành phi và liễn đối chữ Nho.
Tìm đến, sững sờ thấy trên hai vách phên lụa nằm hai bên bàn thờ khắc nhiều dòng chữ Nho với nét chữ thảo hình như đã từng gặp. Nhận dạng kỹ, thấy đúng là bốn bài thơ thất ngôn tứ tuyệt được bố trí cân đối mỗi bên vách hai bài.
Cùng với các bài thơ là tấm hoành phi và hai câu đối rất hay trước gian thờ. Ông Tuấn cho biết toàn bộ văn tự khắc trên gỗ này được giữ đúng vị trí trong căn nhà cổ mà thân phụ ông đã mua từ một người buôn bán từ Chợ Được (xã Bình Triều, Thăng Bình) đem vào chợ Cây Trâm bán lại trong kháng chiến chống Pháp.
Mừng quá, tôi chụp ảnh cẩn thận, về nhà soi xem, phát hiện đây là bốn bài thơ của ông Hà Đình Nguyễn Thuật – một ông quan văn hay chữ từng được cử đi sứ sang Tàu thời vua Tự Đức. Nét chữ đúng là của nhà thơ Hà Đình.
Tôi biết được nét chữ cụ Hà Đình vì từ năm 1975 – 1979 từng dạy học ở trường cấp 3 Tiểu La Thăng Bình, từng đến khu dinh cơ gần bàu Hà Kiều chiêm ngưỡng chữ của cụ được khắc trên các hoành phi, vách gỗ và từng đọc bản chép tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo” của Hà Đình do nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thuần – một đàn anh đồng nghiệp cùng trường rất giỏi Hán Nôm giới thiệu.
Quay lại Diêm Phổ, xác nhận lại gốc tích ngôi nhà. Lại nhờ nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hà ở Thăng Bình tìm đến hậu duệ cụ Hà Đình, tôi biết được trong kháng chiến chống Pháp, một trong các ngôi nhà trong khuôn viên “dinh cụ Thượng Hà Đình” đã được tháo dỡ và đem bán. Từ đó, bài viết “Đến Diêm Phổ gặp thơ Hà Đình” được Quảng Nam cuối tuần cho đăng như là một phát hiện mới.
Bia mộ vợ ông quan giữ cửa biển An Hòa
Tháng 4/2023, khi tìm tư liệu viết về làng Khánh Thọ, từ chỉ dẫn này đến chỉ dẫn khác, tôi được ông Nguyễn Thanh (nhà ở phía sau chùa Trân Bửu, thôn Khánh Thọ, xã Tam Thái, Phú Ninh) đưa đi xem tấm bia đá trên đầu ngôi mộ xưa ở xứ Não Hương, giáp Khánh Thọ Tây (nay thuộc địa phận xã Tam Dân, Phú Ninh). Tấm bia đã bị nứt đôi (theo chiều dọc) và có mấy chỗ bể, thủng đo bị đạn bắn thời chiến tranh.
Tôi lọ mọ chùi rửa mặt bia và quay lại nhiều lần mới nhận dạng và chụp ảnh rõ toàn bộ mặt chữ trên bia. Soi ảnh, đoán các chữ bị mất, phiên âm toàn bộ rồi tôi còn cẩn thận nhờ một chuyên gia chuyên phiên âm và dịch gia phả (ông Lương Ngọc ở xã Tam Thái) đến tận nơi cùng dò lại.
Tấm bia kể về lai lịch của một phụ nữ họ Phạm sinh năm Ất Hợi 1755, quê cha ở giáp Khánh Thọ Đông, có mẹ là con gái của một “huyện viên” ở xã Bàn Lãnh (Điện Bàn). Bà họ Phạm này có chồng giữ chức “hiệp thủ” ở tấn biển Hiệp Hòa (cửa biển Kỳ Hà – An Hòa, Núi Thành).
Trong các năm Mậu Thân và Kỷ Dậu (1788, 1789) gia đình ly tán, bà cùng người con gái phiêu dạt vào đến xã Nha Phan, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn (nay thuộc tỉnh Bình Định), mãi đến nhiều năm sau mới hồi cư.
Để tận tường những chi tiết đoạn đời về sau của người phụ nữ này, tôi đã dò hỏi nhiều người trong gia tộc và đã tìm đến nơi thờ tự người cháu nội của bà là ông Nguyễn An Hựu – đã thiên cư từ phía bắc sông Tam Kỳ (làng Khánh Thọ) sang làng Trường An ở bờ nam sông Tam Kỳ (nay là thôn Bích An, xã Tam Xuân I, Núi Thành) để xin gia tộc cho xem bản gia phả còn lưu nơi nhà hậu duệ. Tất cả chi tiết ghi trong gia phả đều khớp với văn bia. Cuộc đời của một người phụ nữ sống trong thăng trầm thời Tây Sơn đã được tỏ rõ. Vậy là sẽ tiếp tục có bài cho báo.