Megalodon, một trong những loài cá mập đáng sợ nhất từng sống trên Trái Đất, hóa ra không phải là sát thủ máu lạnh, ít nhất là không phải là loài máu lạnh theo nghĩa đen.
Kênh CNN cho biết, theo một nghiên cứu được công bố vào tuần trước trên tạp chí tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, thông qua phân tích răng Megalodon hóa thạch, các nhà khoa học đã phát hiện ra loài cá mập đã tuyệt chủng này có một phần máu nóng. Nhiệt độ cơ thể Megalodon cao hơn khoảng 7 độ C so với nhiệt độ nước biển ước tính vào thời điểm đó.
Đồng tác giả nghiên cứu Robert Eagle, Giáo sư khoa học biển và địa sinh học tại Đại học UCLA (Mỹ), cho biết trong một email: “Chúng tôi phát hiện ra rằng Otodus megalodon có nhiệt độ cơ thể cao hơn đáng kể so với các loài cá mập khác, phù hợp với đặc điểm nó có mức độ sản sinh nhiệt bên trong giống như động vật máu nóng hiện đại”. Các phát hiện trên cho thấy đặc điểm khác biệt này đóng một vai trò quan trọng trong kích thước đáng sợ của kẻ săn mồi cổ đại này cũng như giải thích về việc loài này tuyệt chủng.
Hình minh họa cá mập Megalodon sắp nuốt chửng một con hải cẩu. Ảnh: Reuters
Dài ít nhất 15 mét, Otodus megalodon, còn được gọi là cá mập megatooth (răng lớn), là một trong những loài săn mồi lớn nhất ở biển kể từ thời Đại Trung sinh và đã tuyệt chủng khoảng 3,6 triệu năm trước.
Trước đây, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng Megalodon là loài máu nóng, nhưng nghiên cứu mới này là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng cụ thể cho giả thuyết này.
Các nhà nghiên cứu đã thấy các đồng vị carbon-13 và oxy-18 trong răng hóa thạch của cá mập cổ đại này liên kết với nhau chặt chẽ. Đây là một điểm dữ liệu có thể tiết lộ mức độ ấm của cơ thể. Từ phát hiện này, họ suy ra nhiệt độ cơ thể trung bình của Megalodon là khoảng 27 C.
Theo nghiên cứu, giống như cá mập trắng lớn và cá mập mako hiện đại, Megalodon là loài thu nhiệt cục bộ, có nghĩa là chúng có khả năng điều chỉnh nhiệt độ ở một số bộ phận của cơ thể. Ngược lại, nhiệt độ cơ thể của những kẻ săn mồi máu lạnh khác tùy vào nhiệt độ của nước xung quanh chúng.
Theo tác giả nghiên cứu cao cấp Kenshu Shimada, nhà cổ sinh vật học tại Đại học DePaul ở Chicago, máu nóng có thể là một trong những động lực chính khiến loài cá mập này có kích thước khổng lồ và năng lực săn mồi mạnh.
Ông Shimada cho biết trong một email: “Một cơ thể to lớn làm tăng hiệu quả bắt mồi với phạm vi không gian rộng hơn, nhưng nó cần rất nhiều năng lượng để duy trì cơ thể. Dựa trên dữ liệu hóa thạch, chúng tôi biết rằng Megalodon có những chiếc răng cắt khổng lồ dùng để ăn các loài động vật có vú sống ở biển, như động vật chân vây và động vật thuộc bộ Cá voi. Nghiên cứu mới phù hợp với ý kiến cho rằng sự tiến hóa lên máu nóng là nguyên nhân chính khiến Megalodon có kích thước khổng lồ để đáp ứng kịp nhu cầu trao đổi chất cao”.
Đối với một loài động vật to lớn như vậy, do phải liên tục sử dụng quá nhiều năng lượng để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể nên có thể điều này đã một phần khiến loài này suy giảm khi thế giới thay đổi. Các nhà nghiên cứu cho biết thời điểm tuyệt chủng của Megalodon trùng với thời điểm nhiệt độ Trái Đất nguội đi.
Ông Shimada cho biết: “Việc Megalodon biến mất cho thấy khả năng dễ bị tổn thương của loài máu nóng vì loài máu nóng đòi hỏi lượng thức ăn liên tục để duy trì quá trình trao đổi chất cao. Có thể đã có sự thay đổi trong hệ sinh thái biển do khí hậu lạnh đi”. Khí hậu lạnh đi khiến mực nước biển giảm xuống, làm thay đổi môi trường sống của quần thể các loại thức ăn của Megalodon như động vật có vú sống ở biển và dẫn đến sự tuyệt chủng của loài này.
Ông Michael Griffiths, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà cổ sinh vật học tại Đại học William Paterson ở New Jersey, cho biết so với các loài săn mồi đỉnh cao khác, Megalodon lớn hơn nhiều và do đó dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi về quần thể con mồi.
Tìm hiểu thêm về cá mập cổ đại này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các mối đe dọa mà các loài động vật biển tương tự phải đối mặt ngày nay. Ông Griffiths cho biết: “Một trong những ý nghĩa lớn của nghiên cứu này là nó nhấn mạnh rằng những kẻ săn mồi lớn, như cá mập trắng lớn hiện đại, dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu do có những điểm tương đồng về mặt sinh học với Megalodon”.
Theo TTXVN/Báo Tin tức