Nhiều ngân hàng “về đích” trước
Trưa 16/6, Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp kể từ giữa tháng 3/2023. Trong đó, trần lãi suất huy động là một trong những nội dung được thị trường quan tâm nhất.
Theo đó, kể từ 19/6, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Có thể thấy, trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Hiện tại, đã có rất nhiều ngân hàng “về đích” sớm với mức “trần” 4,75%/năm.
Nhóm Big 4 (bao gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank) cùng áp dụng lãi suất 4,6%/năm cho kỳ hạn 3 tháng và 4,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng về đích sớm có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – SeaBank (4,7%/năm), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam – PvcomBank (4,5%/năm), Ngân hàng TMCP Đông Á – DongA Bank (4,5%/năm). Kỳ hạn áp dụng cùng là 3 tháng và 1 tháng.
Không chỉ có lãi suất kỳ hạn ngắn thấp, DongA Bank đã đẩy lãi suất kỳ hạn dài xuống dưới 7%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động cho các hợp đồng 6 tháng và 12 tháng tại DongA Bank là 6,59%/năm và 6,94%/năm.
Tìm ngân hàng có lãi cao nhất
Trong khi chênh lệch lãi suất ở kỳ hạn dài giữa các ngân hàng là rất cao thì với kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng), chênh lệch này khá khiêm tốn. Hiện tại, vẫn còn khá nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn 4,75%/năm. Tuy nhiên, mức “cao hơn” khá khiêm tốn.
5%/năm là mức cao nhất được rất nhiều ngân hàng áp dụng cho các kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng. Một vài cái tên có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank, Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB,…
Ở mức thấp hơn 4,8%/năm (kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng) được một vài ngân hàng áp dụng như Ngân hàng TMCP Việt Á – VietA Bank, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LPBank.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng áp dụng mức 4,8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng nhưng duy trì chính sách cao hơn (từ 4,9%/năm đến 5%/năm) cho kỳ hạn 3 tháng. Đó là Ngân hàng TMCP Quân Đội – MB (4,9%/năm), Ngân hàng TMCP Phương Đông – OCB (4,95%năm), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombank (5%/năm).
Có thể thấy, từ 19/6, danh sách này sẽ có nhiều biến động và mức cao nhất được áp dụng chỉ còn là 4,75%/năm.
Chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và dài là rất cao
Trần lãi suất không được áp dụng cho các kỳ hạn dài. Tuy nhiên, các đợt điều chỉnh cho thấy lãi suất kỳ hạn ngắn giảm thì kỳ hạn dài cũng giảm theo. Nếu trước đây, tại một vài ngân hàng, lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng được niêm yết trên 9%/năm thì trước “giờ G”, mức này chỉ nhỉnh hơn 8%/năm một chút.
“Đóng cửa” tuần này, mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 8,2% tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và 8,1%/năm tại Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank).
Còn ở kỳ hạn 12 tháng, mức cao nhất là 8,3%/năm được GPBank, ABBank áp dụng. PVComBank niêm yết lãi suất 8,2%/năm.
Ở kỳ hạn dài, nhóm Big 4 áp dụng mức thấp nhất, chỉ 5,5%/năm (6 tháng) và 6,8%/năm (12 tháng).
Các kỳ hạn dưới 6 tháng có lãi suất rất thấp hơn rất nhiều so với kỳ hạn dài nhưng vẫn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì doanh nghiệp cần đảm bảo dòng tiền lưu động đủ lớn để tài trợ cho hoạt động trả nợ cũng như thanh khoản.