Bài 3: Chiến lược dài, hành động nhanh, quyết tâm lớn
>>> Bài 1: Nhận diện “gia tài” du lịch Bạc Liêu
>>> Bài 2: Vẫn chưa thể giàu với “của để dành”
Sau cú sốc từ đại dịch toàn cầu COVID-19 và sau đó là khủng hoảng, xung đột chính trị, sự hồi phục của kinh tế thế giới đang được đặt lên vai của ngành Du lịch (DL). Việt Nam cũng không đứng ngoài nỗ lực này khi hàng loạt các chính sách phát triển DL ra đời, các lễ hội đặc sắc được tổ chức nhằm tăng tốc cho ngành “công nghiệp không khói” này. Vậy Bạc Liêu có thể theo kịp cuộc bứt phá được tất cả các địa phương trong nước hưởng ứng này không?
Làm du lịch đòi hỏi sự chuyên nghiệp, bài bản. Trong ảnh: khách tham quan Điện gió Bạc Liêu bằng xe điện. Ảnh: H.T
Tạo điểm nhấn giữa “vườn hoa nở rộ”
Tháng 5, hàng loạt các địa phương trong cả nước mở lễ hội DL. Nào là Ninh Bình với Tuần lễ DL mang chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc – Tràng An”, Ninh Thuận thì có Lễ hội Nho – vang; tỉnh miền núi Sơn La mở Ngày hội DL văn hóa tại Khu DL quốc gia Mộc Châu với chủ đề “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”…
Nhìn ra tỉnh bạn để thấy nôn nóng thay cho DL Bạc Liêu. Bởi khi các địa phương đã nhanh chóng tăng tốc với hàng loạt sản phẩm hấp dẫn thì DL Bạc Liêu sẽ tiếp tục bị bỏ xa trong cuộc đua này nếu không nhanh chân hơn. Dễ dàng nhận thấy các tỉnh đã chọn thời điểm (mùa hè – mùa cao điểm của DL nội địa) và những lợi thế, đặc trưng địa phương để tung ra các sản phẩm DL hấp dẫn, dễ nhớ, dễ phân biệt, từ đó giúp du khách có nhiều sự chọn lựa điểm đến cho chuyến đi của bản thân và gia đình, bạn bè. Điều này vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng là sức ép cạnh tranh rất lớn giữa các địa phương nếu không muốn bị “chìm” giữa “rừng hoa” điểm đến DL đang vào mùa nở rộ. Vì vậy, ngay bây giờ, Bạc Liêu phải có những chương trình quảng bá, những sản phẩm DL đặc trưng làm điểm nhấn để mời gọi du khách. Có ý kiến cho rằng hằng năm Bạc Liêu đã có Lễ hội Dạ cổ hoài lang thì không cần thêm nhiều lễ hội, hoạt động nữa. Tuy nhiên, Lễ hội Dạ cổ hoài lang thường rơi vào tháng 9, tháng 10, trong khi mùa hè mới là thời điểm “kiếm tiền” của DL và xu hướng DL gia đình đang lên ngôi thì không thể nào chỉ chăm chăm vào đối tượng du khách biết thưởng thức đờn ca tài tử (thường là người lớn tuổi)! Đa dạng hóa sản phẩm DL trên cơ sở những điểm nhấn từ gia tài có sẵn và chọn đúng “điểm rơi”, Bạc Liêu sẽ được biết đến nhiều hơn. Chẳng hạn như tổ chức các hoạt động cho giới trẻ tại Quảng trường Hùng Vương song song với các buổi biểu diễn cải lương tại Nhà hát Cao Văn Lầu; mở các điểm vui chơi, giải trí về đêm bên cạnh việc phát huy DL tâm linh…
Và dù làm gì thì cũng cần phải làm nhanh hơn, quyết liệt hơn và tránh hình thức, bởi trong cuộc đua phát triển DL, địa phương nào không làm hoặc làm chậm, làm cho có thì cũng có nghĩa là DL địa phương đó đã đi lùi!
Mục tiêu tăng trưởng của du lịch Bạc Liêu đến năm 2025 đón trên 7 triệu lượt khách. Minh họa: theo Vietnamplus.vn
Tầm nhìn bền vững cho du lịch
Bạc Liêu không thiếu chiến lược, tầm nhìn, mục tiêu và các giải pháp để phát triển DL thật sự là một trong những trụ cột của nền kinh tế. Vấn đề là làm sao để đưa chiến lược đó trở thành những bước đi mạnh mẽ để giúp DL tiến lên phía trước, bắt kịp nhịp phát triển chung của cả nước.
Từ góc nhìn các tỉnh, thành khác về cách làm DL, soi vào thực tế ở Bạc Liêu mới thấy còn rất nhiều việc để tiếp sức cho chặng đường phía trước nhằm biến các mục tiêu đặt ra trở thành hiện thực. Một điểm dễ dàng nhận thấy là các địa phương bên cạnh việc tận dụng tối đa lợi thế về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của vùng đất, còn mời gọi các nhà đầu tư lớn để biến những lợi thế đó thành nguồn lực chính nhằm làm giàu từ DL. Tây Ninh có núi Bà Đen – một điểm DL tâm linh tương đương Khu Quán âm Phật đài của Bạc Liêu, nhưng khi được một tập đoàn hàng đầu quốc gia về đầu tư đã nâng tầm điểm DL này lên một tầm cao mới, hằng năm kiếm được rất nhiều tiền từ du khách thập phương.
Đã qua rồi cái thời làm DL tạm bợ, “ăn xổi ở thì”, những “cánh chim đầu đàn” trên lĩnh vực này sẽ mang đến luồng gió mới đầy chuyên nghiệp, bàn bản và đẳng cấp bên cạnh những loại hình DL phổ thông. Theo các chuyên gia, du khách nội địa hiện nay rất chịu “chi” cho DL, vấn đề là sản phẩm và dịch vụ được cung cấp có đáng giá với đồng tiền bỏ ra hay không! Trên thực tế, Bạc Liêu đã từng có những “cái bánh vẽ” cho DL, ồn ào khởi công nhiều công trình lớn nhưng qua thời gian dài không thấy thi công, chỉ để lại sự nhếch nhác cho các điểm DL nổi tiếng.
Tầm nhìn cho DL còn là sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực và quan trọng là thái độ, ý thức của người dân đối với việc làm DL. Có thể TP. Đà Nẵng đã mất nhiều thời gian, nguồn lực để có được môi trường sạch sẽ, thân thiện, an toàn, du khách không bị quấy rối bởi người ăn xin, mua vé số hay nạn chèo kéo, “chặt chém” khách. Nhưng nếu Bạc Liêu quyết tâm bắt tay vào thực hiện thì điều đó sẽ không phải là viễn cảnh không thể với tới! Bài học của Phú Quốc – hòn đảo DL nổi tiếng trong và ngoài nước nhưng người dân vẫn còn tư duy “chặt chém” du khách thay vì “nuôi dưỡng”, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh DL còn nóng hổi đó, Bạc Liêu nhất định phải xem là bài học quý.
DL đang phải thực hiện sứ mệnh nặng nề: giúp phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động sau đại dịch COVID-19, đồng thời xây dựng trụ cột phát triển bền vững về lâu dài. Nghị quyết 82 ban hành ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển DL hiệu quả, bền vững đưa ra phương châm cho DL cả nước là “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Phương châm này cũng bao quát hết tất cả những gì mà DL Bạc Liêu cần làm và phải làm được từ hôm nay.
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
UBND các tỉnh, thành phố đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách đột phá để huy động các nguồn lực, cơ cấu lại ngành DL để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu phục hồi, phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từng ngành và địa phương. Thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch quốc tế và các ngành dịch vụ hỗ trợ DL như hàng không, cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ để thúc đẩy chi tiêu của du khách.
Tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường; kết nối tua – tuyến, điểm DL trong vùng và liên vùng. Hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của cơ quan DL quốc gia và doanh nghiệp lớn. Phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đa sắc màu văn hóa địa phương, vùng miền; đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa trong đó coi trọng DL văn hóa.
Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm DL, chú trọng liên kết giữa DL với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách DL làm trung tâm”.
(Trích Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ)
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
THANH HUYỀN