Chắc cũng không nhiều người trẻ mê mệt rừng như Phan Quốc Dũng (29 tuổi) đến thế. Dũng sở hữu hai bằng thạc sĩ tại châu Âu, chuyên ngành quản lý rừng nhiệt đới bền vững và rừng và sinh kế nông thôn, đặt chân đến hơn 20 quốc gia nhưng chàng trai Hà Nội quyết định quay về với rừng Việt Nam.
Rừng là lẽ sống
Dẫn khách đi thăm khu rừng thực nghiệm của Trường ĐH Lâm nghiệp, Dũng nói mỗi lần dạo bước trong cánh rừng là đang về nhà nên dù có đi bất cứ đâu vẫn luôn thôi thúc anh quay về nơi thân quen ấy.
Dũng bảo chắc mình may mắn đã tiếp xúc với rừng từ bé nên đã được nuôi dưỡng ước mơ đẹp đẽ mà không phải đứa trẻ nào cũng có được, càng thôi thúc anh tìm đến những cánh rừng xanh.
Ngày đặt bút chọn nguyện vọng vào đại học, Dũng kiên định chọn lâm nghiệp, trong khi bạn bè toàn lựa các ngành hot. Thậm chí có không ít bạn bè can ngăn, khuyên anh nghĩ lại vì chọn ngành học năng động sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nhưng anh chẳng có nghi hoặc gì, chỉ quyết tâm đi tìm lời giải theo cách của riêng mình.
Quốc Dũng là thủ khoa khối A trúng tuyển vào Trường ĐH Lâm nghiệp nên được nhiều thầy cô, bạn bè biết đến. Ấy cũng là cơ hội giúp anh mở rộng mối quan hệ để nỗ lực học tập và rèn luyện. Năm thứ ba đời sinh viên, Dũng được chọn tham gia cuộc thi “Sinh viên lâm nghiệp quốc tế”.
Trải nghiệm từ chuyến đi nước ngoài đầu tiên ấy giúp chàng trai trẻ nuôi khát vọng bước ra thế giới rộng lớn để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm quản lý, bảo vệ rừng từ các nước phát triển. Một lần nữa trở thành thủ khoa tốt nghiệp, Dũng đến Đức và Đan Mạch hai năm với suất học bổng toàn phần về quản lý rừng nhiệt đới.
Càng đi xa, anh bạn trẻ ấy càng đau đáu khi không còn là “rừng vàng, biển bạc” như vốn có mà diện tích rừng ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, phá nát bởi bàn tay con người. Rừng không còn là “tài nguyên vô hạn” mà là rất hữu hạn, nên phải cùng nhau bảo vệ rừng cũng là bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Điều ấy như một mệnh lệnh thôi thúc anh quay về nước khi hoàn thành việc học. “Đi là để trở về, tôi muốn được cùng bảo vệ, giữ gìn và quảng bá vẻ đẹp của rừng trước hết đến các bạn trẻ để họ hiểu và thêm yêu những cánh rừng xanh” – Dũng bộc bạch.
Thầy tôi từng nói người bảo vệ rừng không ai khác chính là người sống gần rừng nên thay vì nghĩ các phương án bảo vệ rừng, chúng ta hãy nghĩ đến người dân xung quanh, giúp họ tăng sinh kế, thu nhập và họ sẽ là người bảo vệ rừng.
PHAN QUỐC DŨNG
Hạt giống được ươm mầm
Dũng bắt đầu hành động bằng việc tham gia dự án phát triển giá trị cây tre tại hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Những chuyến đi thực tế dài ngày, cùng ăn cùng ở và cùng sinh sống với đồng bào giúp anh tích lũy được vốn kinh nghiệm quý.
Không dừng lại ở công tác dân vận, tuyên truyền để bà con hiểu và nâng cao nhận thức về rừng, “cậu cán bộ dự án” tìm ra phương thức giúp bà con phát triển sinh kế bền vững nhờ rừng. Thế là từ hiểu, bà con xung phong bảo vệ rừng, chính là bảo vệ môi trường sống quanh mình.
Thực lòng lúc đầu mới đi thực tế dài ngày ở vùng rừng núi Dũng cũng có chút sợ! Nhưng dần dà chính tình cảm chân thật của đồng bào địa phương mỗi ngày như muốn níu chân anh. Để rồi chẳng còn gì sợ nữa, Dũng đến ở bất cứ gia đình nào như con cháu trong nhà. Dũng yêu quý bà con và họ cũng thương anh một cách tự nhiên nhưng mỗi ngày càng yêu thêm những cánh rừng xanh mát vậy.
Kết thúc dự án, Phan Quốc Dũng nhận lời mời về trường làm việc tại phòng hợp tác quốc tế. Nơi ấy vốn là “ngôi nhà nuôi dưỡng đam mê” của anh thời sinh viên, nhưng lần này anh bạn ví von “về làm cán bộ bàn giấy”.
Như hạt giống được ươm mầm, môi trường làm việc cho anh cơ hội vận dụng kinh nghiệm thực tế, xây dựng ý tưởng và đề xuất những dự án mới.
Đồng thời, từ các mối quan hệ hợp tác sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội để góp sức phát triển rừng của Việt Nam cũng như các dự án nâng cao ý thức người dân cần thiết phải chung tay giữ gìn và bảo vệ rừng.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, cậu bạn 9X cho biết vẫn đang nỗ lực từng ngày với đam mê đời mình. Đặc biệt cố gắng hết sức có thể tạo ra sức ảnh hưởng trong cộng đồng, góp tiếng nói vào công cuộc giữ gìn và bảo vệ rừng.
“Như mô hình phát triển rừng, thời gian đầu sẽ chỉ có một số cây trơ trọi nhưng qua năm tháng sẽ phát triển thành mô hình rừng đa tầng, đa dạng. Tôi hiện như một cái cây trong cánh rừng, việc của mình là mang lại bóng mát cho những cây con ở phía dưới phát triển và đợi một ngày cây cho hoa trái giúp ích cho thế hệ mai sau” – Dũng tâm niệm.
Sẻ chia chuyện của rừng và viết sách
Có xu hướng nhiều bạn trẻ chọn bỏ phố về rừng trước cái xô bồ, ngột ngạt của cuộc sống thị thành để được gần với thiên nhiên. Còn Dũng khoe mình “sướng như tiên vì quanh năm du lịch chẳng mất tiền”.
Anh tâm niệm tuổi trẻ cứ đi, cứ xông pha, hết mình cho đam mê chắc chắn sẽ có được những kinh nghiệm và cơ hội quý giá.
Mỗi chuyến đi thực tế, Dũng ghi lại nhiều hình ảnh đẹp, chia sẻ những câu chuyện thú vị về rừng Việt Nam.
Trên trang Facebook cá nhân, những chia sẻ của Dũng phần nào truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ và người khác về công cuộc giữ gìn, bảo vệ rừng. Cạnh công việc chính, anh còn theo đuổi viết sách như “nghề tay trái để thỏa đam mê viết lách” mà anh tự nhận.