Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, các đơn vị chủ rừng trong tỉnh đã giải quyết cho nghỉ việc 61 trường hợp. Ngoài ra hiện còn 85 trường hợp có đơn xin nghỉ việc nhưng chưa giải quyết. Nguyên nhân được xác định chủ yếu bởi công việc khó khăn gian khổ, điều kiện làm việc ở rừng sâu, cơ sở vật chất thiếu thốn, trong khi chế độ đãi ngộ thấp. Đây cũng là lý do cần có cơ chế tháo gỡ, hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Thiếu nhân lực
Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời gian gần đây, tình hình lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã nghỉ việc và đang nộp đơn xin nghỉ việc rất nhiều. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, các đơn vị chủ rừng đã giải quyết cho nghỉ việc 61 trường hợp. Cụ thể trong năm 2022 là 47 người, 4 tháng đầu năm 2023 là 14 người. Ngoài ra hiện còn 85 trường hợp có đơn xin nghỉ việc nhưng chưa giải quyết, ngành nông nghiệp tỉnh đang vận động, thuyết phục để lực lượng này tiếp tục làm việc, thực hiện chức trách bảo vệ rừng. Theo ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện công tác tuyển dụng người mới cũng hết sức khó khăn để bù vào vị trí nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc, bình quân mỗi đơn vị chủ rừng thiếu từ 5 – 8 người, tương ứng thiếu từ 10 – 20% chỉ tiêu định biên được giao nên rất khó khăn trong công tác quản lý rừng trong tình hình hiện nay.
Qua tìm hiểu và lắng nghe tâm tư của những người bảo vệ rừng đã và đang nộp đơn xin nghỉ việc, được biết nguyên nhân chủ yếu bởi công việc khó khăn gian khổ, điều kiện làm việc ở rừng sâu, cơ sở vật chất thiếu thốn, có nơi không điện, không sóng điện thoại. Mặt khác, họ còn đối diện nhiều hiểm nguy bởi các đối tượng phá rừng, bị xử lý trách nhiệm hình sự khi để mất rừng, cháy rừng… Trong khi đó, chế độ đãi ngộ rất thấp, bình quân 1 người làm việc được 10 năm hưởng lương bậc đại học cũng chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống.
Cần cơ chế đặc thù
Đáng chú ý, ngày 28/12/2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BNNPTNT quy định xếp lương chuyên ngành quản lý bảo vệ rừng. Theo đó lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách sẽ không được vận dụng xếp ngạch kiểm lâm mà phải chuyển sang ngạch bảo vệ rừng nên sẽ không còn được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành như lực lượng kiểm lâm theo Quyết định số 132/2006/QĐ-TTg ngày 31/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đã ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn thu nhập lương của lực lượng bảo vệ rừng. Cụ thể, trong năm 2021 viên chức và lực lượng lao động bảo vệ rừng xếp ngạch kiểm lâm đang hưởng phụ cấp ưu đãi ngành có 592 người, trong đó viên chức 114 người và lực lượng lao động bảo vệ rừng chuyên trách là 478 người với kinh phí chi trả trong năm 2021 khoảng 6,452 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của đơn vị được giao dự toán đầu năm, tương ứng bình quân mỗi người được thêm 1 triệu đồng/tháng.
Thực tế các trường hợp nghỉ việc hàng loạt của lực lượng bảo vệ rừng không chỉ diễn ra ở Bình Thuận mà còn ở địa bàn các tỉnh trong cả nước, đặc biệt khu vực các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Qua tìm hiểu, để tháo gỡ khó khăn hiện tại, HĐND tỉnh Đồng Nai vừa biểu quyết thông qua và ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023 – 2027. Do đó đối với Bình Thuận, UBND tỉnh vừa đồng ý chủ trương cho phép Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức đoàn công tác của tỉnh đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm việc xây dựng Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại tỉnh Đồng Nai, dự kiến vào giữa tháng 6/2023. Theo kế hoạch, sau chuyến đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan có báo cáo và đề xuất UBND tỉnh đăng ký trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết tại thời điểm thích hợp. Mục tiêu nhằm hỗ trợ, giúp lực lượng bảo vệ rừng an tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.