Du lịch cộng đồng là một trong những điểm nhấn tại Phú Thọ, giúp quảng bá và giới thiệu tới du khách những giá trị văn hóa đặc sắc vùng Đất Tổ. Trong đó các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn với bản sắc văn hóa người Dao, người Mường và nét đẹp thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Sơn là địa bàn phù hợp phát triển của loại hình du lịch này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ, du lịch cộng đồng và trải nghiệm văn hóa sẽ là xu hướng chung của khách du lịch trong thời gian tới, ngoài ra loại hình này còn đóng góp đáng kể cho địa phương như tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập bền vững cho người dân. Hiện nay, huyện Thanh Sơn, Tân Sơn với các điểm đến như đồi chè Long Cốc, Vườn quốc gia Xuân Sơn… đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa bài bản, thiếu những cơ sở lưu trú chất lượng cao. Các homestay quy mô nhỏ nên nhiều thời điểm không thể đáp ứng những đoàn khách lớn, đặc biệt là mùa du lịch cao điểm.
Nhằm thúc đẩy, tăng tốc phát triển cho du lịch cộng đồng tại huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và một số địa phương trong tỉnh Phú Thọ, Hiệp hội Du lịch Phú Thọ vừa tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình và huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang).
Tại huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), du lịch cộng đồng tại một số thôn, bản đã phát triển nhanh và chuyên nghiệp trong thời gian gần đây. Các nếp nhà sàn truyền thống được người dân gìn giữ, cảnh quan và vệ sinh môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Cộng đồng địa phương đồng lòng tham gia và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch qua việc cung cấp các dịch vụ ăn uống, văn nghệ, nông sản… Ngoài ra du lịch cộng đồng tại Lâm Bình nhận được sự ủng hộ và quan tâm của chính quyền địa phương, như các chính sách vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ tiền cho hộ dân chỉnh trang nhà sàn đón khách và cho các tổ, nhóm văn nghệ…
Qua chuyến khảo sát thực tế, ông Hoàng Anh Tuấn – Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Thanh Sơn và Tân Sơn cho rằng “chìa khóa” để phát triển du lịch cộng đồng chính là sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền địa phương. Các điểm du lịch cộng đồng thường xa xôi, cần kết nối giao thông thuận lợi để đưa khách tới. Việc giữ gìn cảnh quan cũng rất quan trọng, như xung quanh các nhà sàn phải là không gian xanh, thay vì những khối nhà cao tầng, bê tông hóa sẽ giảm sức hấp dẫn du khách.
“Qua thực tiễn tại Lâm Bình cho thấy khi các cấp, các ngành cùng vào cuộc thì du lịch cộng đồng mới có thành công. Du lịch cộng đồng ở Lâm Bình được ưu tiên, nên chính quyền đã quán triệt để người dân nâng cao nhận thức, đồng tình ủng hộ. Bà con giữ lại các nếp nhà sàn, giữ gìn vệ sinh môi trường và duy trì những nét văn hóa bản địa, điều này tạo nên sức hấp dẫn của Lâm Bình. Tỉnh Tuyên Quang cũng có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho du lịch cộng đồng bằng tiền và các chính sách vay vốn lãi suất rất thấp. Ngoài ra Lâm Bình cũng thành công trong việc thu hút, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà khoa học… để tham gia phát triển du lịch cộng đồng”, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Tìm hướng đột phá cho du lịch cộng đồng Phú Thọ
Những năm gần đây, đồi chè Long Cốc đã trở thành điểm đến nổi bật của tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là những du khách yêu thích chụp ảnh, tới “săn mây” và ngắm bình minh trên đồi chè. Đồi chè Long Cốc đã được Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Phú Thọ kết nối với các điểm đến khác trong Vườn quốc gia Xuân Sơn, tạo thành một tuyến du lịch thiên nhiên văn hóa độc đáo, nhiều trải nghiệm. Tuy nhiên trên thực tế, dù lượng khách đến đông hơn nhưng du lịch cộng đồng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân còn ít kinh nghiệm nên chưa mạnh dạn phát triển du lịch.
“Tại Thanh Sơn, Tân Sơn hiện nay không còn nhiều nhà sàn truyền thống, còn đầu tư làm nhà sàn mới là khó khả thi vì chi phí quá lớn với các hộ dân. Nhất là khu vực Vườn quốc gia Xuân Sơn còn vướng mắc về cơ chế, cần có những chính sách đặc thù cho phát triển du lịch, tạo điều kiện để người dân có thu nhập tốt hơn để bù đắp cho những giai đoạn thấp điểm, vắng khách. Thậm chí cảnh quan một số nơi đã có phần đô thị hóa thì khó phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi đang đề xuất thành lập một Trung tâm phát triển du lịch cộng đồng xã Long Cốc, với các mô hình lưu trú sinh thái bên đồi chè, giới thiệu văn hóa qua ẩm thực, văn nghệ… và thu hút bà con địa phương tổ chức các nhóm dịch vụ, bắt tay nhau làm du lịch”, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Hiện nay Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng đang nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ người dân tại Thanh Sơn, Tân Sơn phát huy những thế mạnh về văn hóa, thiên nhiên để làm du lịch. Ông Nguyễn Ngọc Lân cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn người dân cách vận hành nhà nghỉ cộng đồng, cách đón tiếp khách và kiến thức về du lịch. Hiệp hội cũng kết nối các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách tới, đồng thời cùng người dân hoàn thiện sản phẩm, nông sản để mang đi giới thiệu tại các cửa hàng, bổ sung trải nghiệm canh tác nông nghiệp. Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đang nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng tại Long Cốc trở thành điểm sáng của Phú Thọ trong tương lai”.
Tiềm năng du lịch ở các huyện Tân Sơn và Thanh Sơn được đánh giá là rất lớn, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng khu vực này muốn tạo đột phá thì cần sự tham gia của những nhà đầu tư, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm về du lịch cộng đồng. “Có doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt nền móng và hướng dẫn thì du lịch cộng đồng sẽ đi nhanh hơn, so với việc bà con tự mày mò rất lâu mà không có sức bật. Sự chuyên nghiệp, khả năng điều phối của doanh nghiệp sẽ giúp rút ngắn quá trình phát triển của những địa phương khó khăn và đi sau về du lịch cộng đồng”, TS Phạm Thái Thủy cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu và số lượng du khách ngày càng tăng, một số dự án du lịch chuyên nghiệp hơn đang được triển khai tại Thanh Sơn và Tân Sơn của Phú Thọ, như ở xã Long Cốc sẽ có thêm các khu nhà sàn cộng đồng và cắm trại cao cấp (glamping). Còn ở thị trấn Thanh Sơn có thêm tổ hợp Trung tâm đón khách du lịch Thanh Sơn, hứa hẹn sẽ đa dạng hóa trải nghiệm của du khách, góp phần tạo sức hút và nâng tầm du lịch địa phương.