Ngày 22/7, Tọa đàm “Kiến trúc Pháp – Đông Dương: Từ góc nhìn di sản” đã được Viện Pháp Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.
Tọa đàm do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp cùng Omega Plus tổ chức, nhằm đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp được thiết lập, với sự tham gia của nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả cuốn sách Kiến trúc Pháp-Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội; TS. KTS Lê Phước Anh, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS Bùi Thị Hệ, Phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thạc sĩ Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, tọa đàm nhằm giúp độc giả hiểu hơn về những di sản, giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những câu chuyện về công trình kiến trúc Pháp – Đông Dương nổi tiếng tại Hà Nội như cầu Long Biên, Bưu điện Hà Nội, Nhà hát lớn Hà Nội…qua đó, giới thiệu thêm về khối lượng tài liệu lịch sử mà Trung tâm đang lưu trữ.
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. (Nguồn: Baodantoc) |
Tại Tọa đàm, các nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia văn hóa đã cùng thảo luận, chia sẻ về tầm quan trọng, vai trò và ý nghĩa của các di sản kiến trúc Pháp-Đông Dương đối với lịch sử của Hà Nội và trong đời sống hôm nay.
Những công trình này chính là những di sản quý báu đã chứng kiến một thời kỳ đầy biến động, làm nên nét đặc trưng văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Đối với nhịp sống thời nay, khi mà nhiều câu chuyện về giữ gìn giá trị văn hóa trở thành điểm nóng thì nét đẹp của kiến trúc Pháp tại Hà Nội như một di sản văn hóa của riêng Thủ đô, mang tâm hồn, tính cách Hà Nội.
Những nét đẹp ấy làm nên một Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại, mà đối với người Hà Nội thì những điều đó là một phần của sự nên thơ, lãng mạn rất riêng trong cuộc sống.
Đến tham gia Tọa đàm, độc giả còn được lắng nghe những câu chuyện, khám phá những kiến trúc của Pháp đặt vào bối cảnh Đông Dương bấy giờ, với rất nhiều tầng bậc, lịch sử thuộc địa, lịch sử quan hệ ngoại giao… các tầng bậc khác của cư dân bản địa và kể từ khi người Pháp đặt chân đến Đông Dương đến nay.
Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm, các diễn giả tập trung vào 37 trong số 60 công trình được chọn lọc để giới thiệu trong cuốn sách “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”.
Cuốn sách do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức biên soạn và Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến là chủ biên, được ví đẳng cấp như một “album nghệ thuật” về dấu ấn kiến trúc Pháp tại Hà Nội, mang đến những góc nhìn thú vị, mới mẻ.
Nét nổi trội của tác phẩm so với các ấn phẩm trước về kiến trúc Hà Nội chính là bên cạnh những bản vẽ thiết kế, còn có những bức ảnh tư liệu được sưu tầm và lựa chọn kỹ càng, đi kèm lời thuyết minh bằng 3 thứ tiếng: Việt-Pháp-Anh.
Đặc biệt, cuốn sách còn xuất hiện những công trình mà ngay cả nhiều người tự cho là biết nhiều về Hà Nội, đến nay mới lần đầu được tiếp cận. Ví dụ: Ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu hay tòa biệt thự 18 Tông Đản, đều vừa tròn trăm tuổi.