Đây là chương trình do Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM phối hợp cùng các bạn trẻ tổ chức Hiếu Văn Ngư thực hiện.
2 tháng cùng hát bội
Chuỗi chương trình tìm hiểu về hát bội sẽ kéo dài từ 14-6 đến 10-8.
Sẽ có 5 talkshow mang tên Ca biện phấn hành với hình thức diễn thuyết kết hợp biểu diễn minh họa, đó là những cuộc trò chuyện để người tham dự hiểu thêm về hát bội.
Chương trình đầu tiên vào ngày 14-6 tại Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, số 125 đường Châu Văn Liêm, Q.5, TP.HCM.
Nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm kể chuyện tổng quan về sân khấu Việt Nam xưa nay.
Cứ cách 2 tuần kể từ 14-6 sẽ có một talkshow diễn ra. Sau buổi đầu tiên, diễn giả sẽ trò chuyện với người nghe về những câu chuyện thú vị của nghệ thuật hát bội.
Có thể kể ra như những câu chuyện liên quan đến tính ước lệ đặc trưng, tính khoa học trong phong cách biểu diễn, kỹ thuật biểu diễn thông qua vẽ mặt, phục trang;
Nghệ thuật hát, nói, âm nhạc trong hát bội; Những áng văn chương, các giá trị đạo đức trong hệ thống kịch bản hát bội;
Ngoài trò chuyện, giao lưu, khán giả còn được xem nghệ sĩ của nhà hát biểu diễn nghi lễ đại bội, các tiết mục Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Châu Sáng tá Thanh Long, Tống tửu Ô Hắc Lợi…
Buổi talkshow cuối cùng, khán giả sẽ có cơ hội xem kịch bản kinh điển của nghệ thuật hát bội đó là vở San hậu.
Các buổi talkshow này được tổ chức với mong muốn như lời mời khán giả tìm đến để tìm hiểu nghệ thuật hát bội một cách bài bản và có tương tác, để nâng cao sự yêu thích đối với bộ môn truyền thống này.
Thực hành hát bội
Bên cạnh talkshow, chương trình sẽ tổ chức các buổi workshop Hát bội 101.
Các buổi workshop được tổ chức tối thứ bảy hằng tuần bắt đầu từ 15-6. Đến với workshop, khán giả có cơ hội tương tác và thực hành hát bội cơ bản.
Workshop Hát bội 101 được các bạn trẻ Hiếu Văn Ngư (thành lập năm 2020) tổ chức tại Liên hoan sân khấu trẻ châu Á năm 2023 và tạo được dấu ấn.
Mùa hè này, các bạn ứng dụng tổ chức tại sân khấu Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM để giúp người trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của hát bội.
Trong mỗi buổi workshop, khán giả được thưởng thức tiết mục biểu diễn và thực hành những động tác cơ bản của hát bội.
Nghệ sĩ của nhà hát không chỉ biểu diễn mà còn là người trực tiếp hướng dẫn khán giả.
Ban tổ chức cho biết: “Thực hành vũ đạo hát bội không chỉ mang đến niềm vui khi được tiếp xúc gần hơn với nghệ thuật biểu diễn truyền thống, mà còn giúp khán giả hiểu hơn về chuyển động cơ thể của mình.
Có thêm cảm hứng sáng tạo cũng như ứng dụng hát bội cho bối cảnh hiện nay”.
Theo các nhà chuyên môn, nghệ thuật truyền thống có rất nhiều cái hay, hàm ý sâu xa. Tuy nhiên, để tạo sự hứng thú và có thể cảm được, khán giả cần được tiếp cận, hướng dẫn để hiểu. Từ hiểu sẽ có thể yêu và đi coi hát một cách rành rẽ,… chuyên nghiệp!
Nguồn: https://tuoitre.vn/tim-hieu-hat-boi-tu-tin-coi-hat-chuyen-nghiep-20240612154031678.htm