KHAN HIẾM NGUỒN TUYỂN GIÁO VIÊN TÍCH HỢP TRONG 3 NĂM TỚI
Với bậc THCS, dù bước vào năm thứ 3 thực hiện nhưng trong mỗi chương trình bồi dưỡng giáo viên (GV), Sở GD-ĐT TP.HCM luôn nhấn mạnh đây là một nội dung lớn, quan trọng, cần sự quyết tâm và nỗ lực của từng nhà trường và từng mỗi GV. Có nhận định này, theo một trưởng phòng GD-ĐT, vì với 2 môn tích hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và lịch sử – địa lý không thể tuyển GV mới thay thế các GV đang dạy đơn môn vật lý, hóa học, sinh học…, mà nếu muốn tuyển cũng không có nguồn. Do vậy, phải tận dụng nguồn GV hiện hữu, đồng thời đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn sâu để đáp ứng mục tiêu của chương trình.
Trong buổi làm việc giữa Sở GD-ĐT TP.HCM với các khoa đào tạo chuyên ngành của Trường ĐH Sài Gòn về công tác đào tạo, bồi dưỡng GV theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 vào tháng 3.2023, tiến sĩ Võ Văn Thật, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay đơn vị mở chuyên ngành đào tạo GV 2 môn học mới của chương trình GDPT 2018 là KHTN và lịch sử – địa lý từ năm học 2019 – 2020. Năm nay có 24 GV KHTN và 9 GV lịch sử – địa lý tốt nghiệp. Dự kiến, năm 2024, sẽ có thêm 31 GV KHTN và 28 GV lịch sử – địa lý ra trường. Hai năm tiếp theo, số GV tốt nghiệp hai chuyên ngành này chưa đến 120 người. Như vậy, bài toán khan hiếm nguồn tuyển GV vẫn tiếp tục nan giải trong 3 năm tới.
Đối với các bộ môn nghệ thuật, lãnh đạo Trường ĐH Sài Gòn cho hay hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm mỹ thuật là 30 SV. Song, năm nào may mắn lắm có 15 SV theo học, các năm còn lại con số thực tuyển còn thấp hơn.
TRƯỜNG CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, để triển khai chương trình GDPT 2018 năm học 2023 – 2024, với môn lịch sử – địa lý, các quận, huyện đề cử GV tham gia bồi dưỡng, tập huấn để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học chương trình môn học. Tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tập huấn hỗ trợ đồng nghiệp để triển khai dạy học hiệu quả.
Riêng môn KHTN, nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, đề cử GV tham gia các chương trình bồi dưỡng để GV đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.
Người phụ trách công tác chuyên môn bậc trung học cũng nói Sở GD-ĐT không cứng nhắc mà tạo sự chủ động cho mỗi nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch dạy môn học phù hợp điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường sao cho đảm bảo mục tiêu, định hướng của chương trình.
Ông Nguyễn Công Phúc Khánh, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay trường nào có đủ GV đảm bảo trọn vẹn 3 mạch chủ đề kiến thức của môn KHTN thì tối ưu. Còn ngược lại, có thể phân công và tổ chức giảng dạy môn học này theo hình thức tuyến tính.
Cụ thể, căn cứ theo nội dung, nhà trường có thể phân công GV đơn môn đảm trách lần lượt trọn vẹn từng chủ đề. Hết chủ đề kiến thức môn này sẽ đến nhiệm vụ giảng dạy chủ đề kiến thức tiếp theo của GV khác. Đồng thời không gây áp lực trở lại cho học sinh khi phải học song song 3 môn vật lý, hóa học, sinh học độc lập như trước đây.
Thêm vào đó, cũng theo vị hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du, để tự tin với môn tích hợp của chương trình mới, GV không nên giữ mãi quan điểm mình là người nắm trọn kiến thức để truyền tải cho người học với tâm thế biết 10 dạy 1 mà cùng học trò xây dựng tâm thế “win-win”, bởi kiến thức thì rộng và luôn luôn thay đổi. GV chấp nhận mình phải tự học, tự tìm hiểu để thích ứng.
GIẢI PHÁP KHI KHÔNG ĐỦ GIÁO VIÊN
Năm học 2023 – 2024 là năm thứ 2 chương trình áp dụng vào bậc THPT và TP.HCM đang trong quá trình tuyển GV cho năm học mới. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay các trường THPT toàn thành phố cần tuyển 251 GV ở nhiều bộ môn. Số hồ sơ ứng viên đủ điều kiện tham gia tuyển dụng là 838 người. Rà soát cho thấy, các môn thuộc lĩnh vực KHTN, số ứng viên dự tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu. Các môn ngoại ngữ, khoa học xã hội, số ứng viên dự tuyển suýt soát số chỉ tiêu nhưng với các môn liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, nhu cầu nhiều nhưng ứng viên “lần chẳng ra”.
Chẳng hạn môn âm nhạc, chỉ có 2 ứng viên dự tuyển vào 12 vị trí GV ở các trường THPT. Hay môn mỹ thuật , TP có nhu cầu tuyển dụng 8 GV, chỉ có 5 ứng viên dự tuyển…
Năm học 2023 – 2024, Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) cần tuyển 1 GV âm nhạc, 1 tin học và 1 công nghệ nhưng chỉ có 2 ứng viên cho công nghệ, còn âm nhạc và tin học không có người ứng tuyển.
Ông Tô Lâm Viễn Khoa, Hiệu phó Trường THPT Gia Định, cho biết năm trước, trường Gia Định đã thỉnh giảng hợp đồng với 1 GV âm nhạc của nhạc viện, 1 GV mỹ thuật ở bậc THCS. Với môn công nghệ, năm học mới trường tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng để đảm bảo GV đứng lớp, đáp ứng yêu cầu học các môn lựa chọn của học sinh lớp 10, 11 theo chương trình mới.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Bình Tân cho biết, năm học 2022 – 2023, trường đã phải hợp đồng thỉnh giảng với GV mỹ thuật đang dạy ở trường tiểu học. Năm nay, trường đăng ký tuyển dụng 1 GV âm nhạc, 1 mỹ thuật nhưng “gần như không hy vọng”. Vì vậy, theo lãnh đạo trường này, thỉnh giảng GV vẫn là phương án tối ưu trong năm học mới.
Ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay dự kiến sẽ tuyển dụng GV theo 2 đợt. Với những trường không tuyển đủ GV trong đợt 1 sẽ tiếp tục được Sở GD-ĐT TP.HCM thống kê nhu cầu ở các bộ môn còn thiếu và tổ chức thêm đợt tuyển dụng thứ 2, đảm bảo đủ nguồn GV đứng lớp.
Riêng đối với các bộ môn như âm nhạc, mỹ thuật, theo ông Lộc, TP.HCM sẽ tính đến việc chia sẻ GV theo cụm. Các trường THCS, THPT cùng hỗ trợ GV lẫn nhau, để đáp ứng việc triển khai chương trình GDPT 2018 một cách hiệu quả.
GIÁO VIÊN không còn đóng vai trò người truyền đạt kiến thức kiểu truyền thống
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, chỉ ra rằng còn một bộ phận GV đang bị ảnh hưởng bởi “quán tính” nghề nghiệp là tập trung khai thác tối đa kiến thức. Trong khi mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là trang bị cho học sinh kỹ năng và phương pháp. Ngoài ra, dạy học theo hướng đổi mới không quá đặt áp lực vào việc truyền đạt kiến thức trên lớp mà quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn bị bài, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh.
Chính vì vậy, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng với chương trình mới này, GV không còn đóng vai trò người truyền đạt kiến thức theo kiểu truyền thống mà trở thành người có phương pháp, giỏi định hướng và dẫn dắt học sinh tiếp cận với kiến thức phong phú và đa dạng trên mọi nền tảng.