Tim Cook ‘xin chào Việt Nam’, uống cà phê trứng, cắn hạt hướng dương
Sau Việt Nam, Tim Cook đến thăm quốc gia Đông Nam Á nào?
CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam sẽ nói chuyện với sinh viên và nhà sáng tạo
Tim Cook đang có mặt tại Việt Nam và ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng công nghệ nói riêng và kinh doanh nói chung. Ông là CEO Apple, hãng công nghệ giá trị lớn thứ hai thế giới theo vốn hóa thị trường. Tính đến ngày 15/4, vốn hóa Apple khoảng 2,73 nghìn tỷ USD, trong khi tài sản ròng của Tim Cook ước đạt 2,1 tỷ USD, theo tạp chí Forbes.
Tim Cook được Steve Jobs đưa vào kế hoạch kế nhiệm của mình trước khi mất. Cố CEO Apple đã mài giũa người kế vị từ năm 2003 đến năm 2011. Cả hai cũng là những người bạn tâm giao thân thiết. Bản thân Tim Cook từng hai lần tạm thời nắm quyền điều hành Apple vào năm 2004 và 2009, khi ông giám sát việc ra mắt iPad 2 và iCloud.
Từ khi chính thức nhậm chức CEO Apple, Tim Cook đã biến “táo khuyết” trở thành một gã khổng lồ nghìn tỷ, cổ phiếu tăng hơn 1.000% trong suốt nhiệm kỳ. Nếu như Jobs được xem là người có tầm nhìn vĩ đại, Tim Cook lại nổi tiếng vì thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận cao và tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp. So với người tiền nhiệm, ông không có nhiều sản phẩm đột phá và biểu tượng. Nếu Jobs là “kiến trúc sư” đứng sau Mac, iPhone, iPad và iTunes, đóng góp nổi bật nhất của Tim Cook là Apple Watch, ra mắt năm 2014.
Có lẽ thành tựu lớn nhất của Tim Cook nên được quy ra các con số. Khi ông quyết định chuyển sang cho M1 thay vì chip Intel vào năm 2020, doanh thu máy tính Apple đã tăng vọt hơn 70%. Quan trọng hơn, bộ xử lý M1 cho pin dài hơn, tiết kiệm điện năng hơn.
Người được Steve Jobs lựa chọn
Tim Cook sinh tại Alabama, Mỹ ngày 1/11/1960, bố làm công nhân nhà máy đóng tàu còn mẹ làm tại một hiệu thuốc. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Auburn, Tim Cook lấy bằng MBA tại Đại học Duke năm 1988. Ông làm việc cho IBM trong 12 năm, quản lý việc vận hành sản xuất và phân phối khu vực Bắc Mỹ, Mỹ Latinh trước khi chuyển sang Compaq, hãng máy tính lớn nhất thế giới thời điểm đó.
Sau nhiều nỗ lực tiếp cận từ các nhà tuyển dụng Apple, Tim Cook đồng ý gặp mặt Steve Jobs. Khi ấy, Apple đang bên bờ vực phá sản, doanh thu ảm đạm và lỗ ròng 1 tỷ USD. Dù vậy, ông ngay lập tức ấn tượng với tầm nhìn và chiến lược của hãng. Sau 6 tháng làm tại Compaq, ông về với Apple cùng mức lương cơ bản 400.000 USD và thưởng 500.000 USD. Ông cho biết từng bị gọi là kẻ ngốc khi quyết định bỏ Compaq sang Apple.
Ở tuổi 37, Tim Cook gia nhập Apple với tư cách Phó Chủ tịch vận hành toàn cầu. Trong vòng một năm, “táo khuyết” đã có lãi 309 triệu USD và ra mắt mẫu iMac đẹp tinh tế. Ông đã thay đổi việc sản xuất tại đây, áp dụng khái niệm Just In Times (đúng sản phẩm – đúng số lượng – đúng nơi – đúng thời điểm) được Intel sử dụng. JIT giảm lượng hàng tồn kho và cho phép sản phẩm mới ra mắt thị trường nhanh hơn.
Vào giữa những năm 2000, khi Jobs được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy, ông đã chuẩn bị để Tim Cook làm người kế nhiệm. Tháng 8/2011, Jobs từ chức CEO Apple sau 14 năm. Trong bản ghi nhớ đầu tiên gửi nhân viên với tư cách CEO, Tim Cook đã viết: “Gia nhập Apple là quyết định tốt nhất mà tôi từng đưa ra; được làm việc cho Apple và Steve trong hơn 13 năm là đặc ân của cả cuộc đời”. Thời điểm đó, vốn hóa Apple chưa đến 400 tỷ USD.
Dưới sự lãnh đạo của Cook, Apple đã mua lại hơn 100 công ty, phát triển một studio và mở rộng phần cứng. Ngoài ra, công ty đã xây dựng danh mục dịch vụ phong phú, trải dài từ iCloud, Apple Podcasts và Apple Music, ra mắt lần lượt vào năm 2011, 2012 và 2015. Năm 2018, hãng trở thành doanh nghiệp nghìn tỷ USD đầu tiên và đạt giá trị 2 nghìn tỷ USD chỉ hai năm sau đó.
Về đời sống cá nhân, năm 2014, Tim Cook trở thành CEO đầu tiên trong danh sách Fortune 500 công khai là người đồng tính. Tại hội nghị Time100 năm 2021, CEO Apple cho biết ông làm như vậy vì muốn giúp đỡ những người trẻ tuổi, đặc biệt là cộng đồng LGBTQ dù điều đó đồng nghĩa sẽ đánh mất quyền riêng tư.