Từ sự trăn trở khi thiếu thầy cô đang là vấn đề cấp bách, nhiều địa phương đã mạnh dạn đề xuất, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút, giữ chân giáo viên
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với viên chức giáo viên (GV) công tác ở các huyện miền núi giai đoạn 2025-2026.
Giáo viên miền núi vất vả, thiệt thòi
Cô Nguyễn Thị Tý – công tác tại Trường Mầm non xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam – cho biết GV tại các địa phương vùng cao rất vất vả, thiệt thòi do điều kiện giao thông, trường lớp thiếu thốn. Chưa kể, họ phải đối mặt nhiều mối hiểm nguy trong mùa mưa bão, phải thật sự yêu nghề mới có thể gắn bó lâu dài được. Hiện nay, mức lương của GV khá thấp nên thường không đủ chi phí trang trải cuộc sống gia đình.
Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, tỉ lệ viên chức trúng tuyển trung bình chung các kỳ tuyển dụng tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam chỉ đạt hơn 50%. Trong khi đó, một số trường hợp đã trúng tuyển nhưng không nhận công tác, dẫn đến nhiều địa phương, đơn vị thiếu hụt nhân lực thời gian dài. Một bộ phận viên chức có gia đình ở xa địa phương công tác nên tư tưởng chưa ổn định, có nguyện vọng được chuyển nơi làm việc để gần gũi gia đình.
Từ năm 2019 đến nay, hơn 530 viên chức ngành giáo dục đã chuyển công tác khỏi các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, hơn 90 viên chức công tác tại các trường thuộc địa bàn những huyện vùng cao đã xin thôi việc.
Trước thực tế này, UBND tỉnh Quảng Nam đang xây dựng đề án để trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết quy định chính sách đối với viên chức GV công tác ở các huyện miền núi giai đoạn 2025-2026. Dự kiến, nghị quyết này sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh tháng 12-2024.
Theo dự thảo nghị quyết, Quảng Nam dự tính hỗ trợ lần đầu cho GV khi nhận công tác và hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng tháng. Đối tượng áp dụng là viên chức giữ chức danh nghề nghiệp GV trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tại các huyện miền núi Quảng Nam (không phân biệt người địa phương với người nơi khác) đã được xếp lương theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền quy định. Các huyện miền núi thực hiện trong dự thảo nghị quyết gồm: Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn.
Mức hỗ trợ cụ thể đối với viên chức lần đầu đến công tác tại các xã khu vực III hoặc thôn đặc biệt khó khăn là 100 triệu đồng/người; các xã khu vực II là 75 triệu đồng/người; các xã khu vực I là 50 triệu đồng/người. Ngoài ra, Quảng Nam dự tính hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng tháng với mức 1,8 triệu đồng/người đối với viên chức công tác tại các xã khu vực III hoặc thôn đặc biệt khó khăn; 1,5 triệu đồng đồng/người với viên chức công tác tại các xã khu vực II; 1,2 triệu đồng/người với viên chức công tác tại các xã khu vực I.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh các viên chức chỉ được hỗ trợ khi cam kết làm việc tại các huyện miền núi ít nhất 5 năm. Đối tượng được hưởng chính sách phải chịu trách nhiệm bồi thường 100% kinh phí hỗ trợ nếu vi phạm một trong các trường hợp: Không chấp hành sự phân công công tác của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; liên tục 2 năm liền bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời gian cam kết; tự ý bỏ việc trong thời gian cam kết hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc…
Linh động, ưu tiên xét tuyển
Năm học 2023-2024, tỉnh Kiên Giang thiếu hàng trăm GV ở các bộ môn tin học, ngoại ngữ bậc tiểu học; nhạc, họa, mỹ thuật cấp trung học. Riêng TP Phú Quốc còn thiếu hơn 100 GV phục vụ giảng dạy từ mầm non đến THCS.
Để khắc phục tình trạng thiếu GV, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Kiên Giang đã tăng cường tuyển dụng, tổ chức tuyển nhân sự nhiều lần trong năm. Kiên Giang còn quản lý và sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục được phân bổ hằng năm bảo đảm kịp thời, đúng quy định.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, bổ sung số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Bên cạnh đó, kiến nghị xem xét, điều chỉnh cơ chế, chính sách tiền lương cho đội ngũ GV mầm non, nhân viên hỗ trợ, phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập để họ bảo đảm đời sống, an tâm công tác.
Ngoài ra, Kiên Giang cũng bổ sung vị trí việc làm trong trường phổ thông, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV giảng dạy các môn tiếng Anh, tin học bậc tiểu học; âm nhạc, mỹ thuật, tiếng dân tộc cấp THPT. Về lâu dài, Sở GD-ĐT trình UBND tỉnh kế hoạch chọn lọc, đào tạo, bồi dưỡng GV hợp tình, hợp lý; đồng thời phối hợp UBND cấp huyện thi tuyển GV lần 2 để đáp ứng cho những bộ môn thiếu.
“Riêng TP Phú Quốc, ngoài việc tổ chức thi tuyển viên chức, Sở GD-ĐT có thể ký hợp đồng với những người có văn bằng, chứng chỉ đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn nhạc, họa, thể dục… Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu, trình UBND tỉnh điều chuyển hơn 200 biên chế GV dư trong đất liền ra Phú Quốc để đáp ứng yêu cầu của địa phương” – ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, thông tin.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, Sở GD-ĐT cho biết đang tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng GV theo Nghị định 140/ 2017 của Chính phủ (về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ). Điều kiện dự tuyển là người đã tốt nghiệp đại học trong và ngoài nước loại xuất sắc; đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế hoặc cuộc thi khoa học – kỹ thuật quốc gia, kỳ thi Olympic.
Những người được tỉnh Quảng Ngãi tuyển dụng theo chính sách này không phải trải qua kỳ thi tuyển mà được ưu tiên xét tuyển. Ngoài lương, phụ cấp ngành, GV được tuyển dụng còn hưởng thêm 100% lương và phụ cấp tăng thêm trong 5 năm; được xem xét đặc cách tham dự kỳ thi nâng ngạch GV chính…
Địa phương tự cân đối ngân sách
Trước khi xây dựng đề án, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn xin ý kiến Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và các bộ liên quan về việc xây dựng chính sách đối với viên chức GV công tác ở các huyện miền núi. Theo ý kiến phản hồi của các bộ này, việc ban hành nghị quyết thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Nếu cân đối được ngân sách thì tỉnh Quảng Nam có thể thực hiện mà không vướng quy định, riêng ngân sách trung ương không hỗ trợ.
Trong công văn phản hồi UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ GD-ĐT đồng ý với chủ trương ban hành nghị quyết nêu trên của tỉnh. “Việc ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ viên chức GV là cần thiết, đặc biệt là đội ngũ công tác ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần ổn định lâu dài đội ngũ viên chức, nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương. Các chính sách này là yếu tố quyết định đối với sự phát triển lâu dài, bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi” – văn bản của Bộ GD-ĐT nêu rõ.
Sức hút vào ngành còn hạn chế
Bộ GD-ĐT thừa nhận tình trạng thiếu GV cục bộ vẫn tồn tại ở hầu hết các địa phương, nhất là GV dạy những môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, song chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.
Thêm vào đó, cơ cấu đội ngũ GV còn mất cân đối giữa các môn trong cùng cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau. Chỉ tiêu phân bổ GV cho các địa phương đa số thấp hơn nhu cầu thực tế. Tỉ lệ GV/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức của Bộ GD-ĐT.
Tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu 113.491 GV mầm non, phổ thông. Lý giải tình trạng thiếu GV, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế. Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng; lương GV trẻ còn thấp so với mặt bằng chung các ngành nghề…
Y.Anh
Kỳ tới: Bung chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non
Nguồn: https://nld.com.vn/tim-cach-thu-hut-giu-chan-giao-vien-196241117205640336.htm