Trong lúc đối mặt với các vấn đề pháp lý ở Mỹ và các nước châu Âu, triển vọng tăng trưởng của TikTok vẫn khá mạnh mẽ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) với hàng trăm triệu người dùng.
Tại APAC, TikTok hoạt động ở Đông Nam Á, New Zealand, Israel, Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ (tính đến tháng 6/2020).
Với 598 triệu người dùng vào cuối năm 2022, khu vực này là thị trường lớn nhất của TikTok bên ngoài Trung Quốc, theo dữ liệu do Business of Apps tổng hợp.
Số người dùng đăng ký ứng dụng này trong khu vực đã tăng lên 3,8 lần so với năm 2019. Doanh thu của TikTok tại khu vực APAC đạt 1,97 tỷ USD vào năm 2021, tăng 279% so với năm 2020 và gấp 11 lần doanh thu trước đại dịch năm 2019.
Tuy nhiên, cái giá của sự “bành trướng” này không hề nhỏ.
Thâm dụng vốn
Báo cáo tài chính của TikTok chi nhánh APAC cho thấy, tính đến ngày 31/12/2021, cơ sở này đã lỗ tổng cộng 5,73 tỷ USD sau hơn 4 năm thành lập, theo DealStreetAsia.
Góp phần vào khoản lỗ của TikTok tại APAC là chi phí bán hàng đáng kinh ngạc của công ty lên tới 2,98 tỷ USD vào năm 2021, cao hơn gấp đôi so với chi phí của năm 2020 và gần gấp 9 lần con số năm 2019, tờ báo này cho biết.
Chi phí cho quảng cáo và tăng trưởng người dùng của công ty cũng tăng 152% lên 1,34 tỷ USD vào năm 2021. Ngoài ra, TikTok cũng chi 1,13 tỷ USD cho hoạt động bán hàng và tiếp thị, tăng 90% so với năm 2020.
Cũng theo DealStreetAssia, mặc dù video và nội dung phát trực tiếp của TikTok do người dùng tạo ra, nhưng công ty đã trả 828 triệu USD cho các chi phí liên quan đến nội dung vào năm 2021, gấp gần 19 lần so với năm 2020. Công ty trả 40 triệu USD cho nội dung vào năm 2019.
Sự tăng trưởng về số lượng người dùng và nội dung dẫn đến mức chi tiêu cao hơn cho máy chủ và băng thông, lên đến 1,15 tỷ USD vào năm 2021, cao hơn 155 triệu USD so với một năm trước đó.
Trong lúc nhiều công ty công nghệ trong khu vực sa thải công nhân để cắt giảm chi phí, TikTok lại tăng cường tuyển dụng. Chi tiêu cho tiền lương và phúc lợi của nhân viên công ty, do đó, tăng hơn 2 lần lên 246 triệu USD vào năm 2021.
Chi phí tăng vọt của TikTok ở APAC đã chuyển thành khoản lỗ ròng 2,24 tỷ USD vào năm 2021, cao hơn 30% so với 1,73 tỷ USD vào năm 2020 và gần gấp 4 lần khoản lỗ năm 2019.
Khoản lỗ lũy kế khiến công ty báo cáo vốn chủ sở hữu của cổ đông âm 5,73 tỷ USD vào năm 2021. Đến cuối năm, nợ phải trả của TikTok APAC tăng 71% lên 10,40 tỷ USD, trong khi tổng tài sản của công ty tăng 79% lên 4,67 tỷ USD.
Cuối năm 2021, TikTok APAC có 574 triệu USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền.
Thị trường cốt lõi
Phiên điều trần của giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew trược Quốc hội Mỹ mới đây dường như không thể xoa dịu những cáo buộc rằng ứng dụng này bị Trung Quốc sử dụng để làm gián điệp và cung cấp nội dung có hại. Sự xuất hiện của ông thậm chí càng củng cố thêm nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế ứng dụng truyền thông xã hội này.
Đầu tháng 3, Anh và New Zealand đã cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ. Úc được cho là cũng sẽ theo chân 2 quốc gia này. Trước đó, vào tháng 2, Ủy ban Châu Âu cũng đã yêu cầu các nhân viên xóa Tik Tok khỏi thiết bị làm việc của họ.
Trong bối cảnh đó, châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở thành một thị trường thậm chí còn quan trọng hơn đối với TikTok, bởi khu vực này chiếm gần 60% người dùng toàn cầu của ứng dụng này. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 7% trong năm nay, theo Insider Intelligence.
Tại APAC, TikTok sẽ là nền tảng mạng xã hội phát triển nhanh nhất với mức tăng trưởng người dùng dự kiến đạt 13,6% trong năm nay, gần gấp đôi so với Instagram (7,3%), trang web này cho biết.
Mặc dù bị cấm ở Ấn Độ, nhưng TikTok vẫn sẽ tăng trưởng mạnh ở khu vực APAC, chủ yếu ở Đông Nam Á, vì Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cộng lại sẽ chiếm khoảng một nửa số người dùng ứng dụng này trong khu vực.
Bên cạnh đó, Đông Nam Á được biết đến với lập trường không liên kết trong các tranh chấp địa chính trị, nên việc hạn chế TikTok sẽ không phải là ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách khu vực này, theo ông Peter Mumford, trưởng bộ phận nghiên cứu Đông Nam Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group.
Tuy nhiên, cũng như các nền tảng truyền thông xã hội khác, sẽ tiếp tục có tranh luận xung quanh mức độ quy định cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi nội dung có hại, và để đảm bảo mọi người không sử dụng các ứng dụng để gây chia rẽ xã hội, ông Mumford nhận định.
Người tiêu dùng Đông Nam Á là những người đam mê điện thoại di động nhất thế giới, theo Data.ai. Nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, Indonesia, đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về thời gian dành cho các ứng dụng di động với mức trung bình 5,7 giờ/ngày/người, cao hơn đáng kể so với 3,9 giờ/ngày/người trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2019.
Nguyễn Tuyết (Theo DealStreetAsia, Insider Intelligence)