TikTok đã đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ dữ liệu của người dùng ở châu Âu, khi ứng dụng mạng xã hội do Trung Quốc sở hữu này cố gắng giải quyết các mối lo ngại về bảo mật ngày càng tăng từ các chính phủ trên khắp thế giới.
Tại một cuộc họp báo hôm 8/3, TikTok cho biết họ sẽ xây dựng thêm 2 trung tâm dữ liệu mới ở Ireland và Na Uy để lưu trữ video, tin nhắn và thông tin cá nhân do 150 triệu người dùng nền tảng châu Âu tạo ra.
Các biện pháp truy cập dữ liệu ở các trung tâm này, cùng với trung tâm hiện tại ở Ireland, sẽ được vận hành bởi một công ty thứ ba (danh tính chưa được tiết lộ). Sau khi đi vào hoạt động, các trung tâm dữ liệu này sẽ tiêu tốn của công ty 1,2 tỷ Euro (1,3 tỷ USD) mỗi năm.
Việc xây dựng 2 trung tâm này là một phần của Dự án Clover, một dự án nhằm đảm bảo với các chính phủ có liên quan rằng Bắc Kinh không thể truy cập dữ liệu của người châu Âu bằng bất kỳ biện pháp nào.
Vấn đề bảo mật
TikTok đã bị giám sát chặt chẽ do những lo ngại về các mối liên hệ của công ty với chính phủ Trung Quốc thông qua chủ sở hữu ByteDance. Các nhà quản lý và chuyên gia bảo mật bày tỏ băn khoăn khi theo luật địa phương, các công ty Trung Quốc có thể bị buộc phải tiết lộ dữ liệu cho nhà nước, cũng như hạn chế chuyển thông tin nhạy cảm qua biên giới.
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở, vì tháng 12/2022, Tiktok thừa nhận nhân viên của mình ở Mỹ và Trung Quốc đã thu thập dữ liệu của người dùng, bao gồm dữ liệu của 2 phóng viên, nhằm ngăn chặn rò rỉ thông tin trên các phương tiện truyền thông.
Mặc dù công ty đã cho các nhân viên này đã nghỉ việc ngay sau đó, nhưng những hiềm nghi khó có thể bị xóa bỏ.
Nền tảng chia sẻ video này đã phải đối mặt với làn sóng lo ngại mới từ các đồng minh của Mỹ, gần đây nhất là việc một loạt tổ chức ở châu Âu yêu cầu nhân viên của họ xóa ứng dụng này khỏi điện thoại của họ. Đức và Canada đã làm theo, và Hà Lan đang xem xét các bước tương tự.
Tại Mỹ, Nhà Trắng đã ủng hộ dự luật trao quyền cho chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn do Trung Quốc sở hữu cũng như các công nghệ khác của nước ngoài nếu chúng đe dọa an ninh quốc gia.
“Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu chúng tôi cung cấp dữ liệu và nếu họ yêu cầu, chúng tôi cũng sẽ từ chối làm như vậy,” ông Theo Bertram, giám đốc chính sách châu Âu của TikTok, khẳng định tại buổi họp báo.
Ông Bertram cho biết dữ liệu của châu Âu hiện được lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu ở Singapore và Mỹ, nhưng sẽ được chuyển sang môi trường an toàn ở châu Âu do một công ty châu Âu xây dựng trong vòng 3 năm.
Ông nói rằng cách tiếp cận lưu trữ dữ liệu của công ty sẽ khiến chính phủ Trung Quốc không thể buộc TikTok phải bàn giao dữ liệu của châu Âu và việc kiểm soát và kiểm tra quyền truy cập dữ liệu sẽ giảm thiểu rủi ro truy cập dữ liệu từ cửa sau.
Nhân viên của công ty bên ngoài Châu Âu vẫn có thể truy cập dữ liệu, nhưng chỉ được phép làm thế nếu có lý do cụ thể, và với các giao thức truy cập nghiêm ngặt mà một công ty khác sẽ kiểm tra, ông Bertram cho biết.
Sự bùng nổ của TikTok
Cho đến nay, những lo ngại về địa chính trị dường như không cản trở sự phát triển vượt bậc của TikTok. Với các video chỉ kéo dài vài giây, bao gồm những điệu nhảy và giọng thuyết minh hài hước, TikTok đã trở thành một trong những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất ở Mỹ và châu Âu, ăn sâu vào văn hóa của một thế hệ thanh niên.
TikTok hiện có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới và ước tính tạo ra doanh thu hơn 10 tỷ USD. Phần lớn thu nhập của TikTok đến từ quảng cáo, ngày càng nhiều nhà tiếp thị chuyển từ các nền tảng truyền thống như Facebook và Instagram sang ứng dụng này.
Theo 4 nhà quảng cáo được trang Financial Times phỏng vấn, những căng thẳng hiện tại không ảnh hưởng đến chi tiêu trên nền tảng này.
“Những lo ngại về bảo mật về TikTok không có gì mới. Nếu người dùng thực sự nhận thức được rằng ứng dụng đó đang thu thập dữ liệu từ họ, sẽ không ai sử dụng nó nữa, nhưng sự thiếu hiểu biết cũng là điều may mắn”, ông Ben Foster, đối tác quản lý mảng kỹ thuật số tại công ty truyền thông The Kite Factory cho biết.
Đối với các nhà quảng cáo, đây là mảnh đất màu mỡ để khai thác. Người Mỹ dành trung bình khoảng 90 phút mỗi ngày trên TikTok, một phần do thuật toán đề xuất mạnh mẽ của ứng dụng này.
“Thật khó để ủng hộ việc rời bỏ TikTok vì người dùng hầu hết đều bị thu hút bởi nền tảng này. Khán giả ở đâu, các thương hiệu sẽ tập trung ở đó”, ông David Balko từ công ty quảng cáo Tribal Worldwide cho biết.
Sự phổ biến của TikTok trong giới trẻ có thể là một yếu tố cản trở các nhà lập pháp mong muốn cấm hoàn toàn ứng dụng này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Gina Raimondo, Bộ trưởng thương mại Mỹ cho rằng lệnh cấm hoàn toàn sẽ là tự sát chính trị. Ông Raimondo cho rằng ủng hộ việc cấm TikTok sẽ khiến các chính trị gia vĩnh viễn mất đi sự ủng hộ của những cử tri dưới 35 tuổi.
Nguyễn Tuyết (Theo FT, Reuters, SCMP)