TikTok của ByteDance dự kiến đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á trong 3-5 năm tới, khi gã khổng lồ Trung Quốc muốn tăng cường sự hiện diện tại khu vực này.
Tại một sự kiện được tổ chức ở Jakarta hôm nay, Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok cho biết công ty này muốn “đầu tư tương xứng” với cơ hội mà Đông Nam Á đang mang lại cho họ. TikTok có hơn 8.000 người tại khu vực này, trong đó có gần 2.000 nhân viên ở Indonesia.
Ứng dụng này đang đặt cược vào những thị trường như Indonesia để thúc đẩy tăng trưởng cho mảng thương mại điện tử. Hoạt động mà người dùng có thể chọn mua nhanh chóng món hàng mình thích qua việc cuộn vô số video ngắn và những buổi livestream (phát trực tiếp) trên ứng dụng.
Quy mô tổng giá trị hàng hóa giao dịch được bán thông qua dịch vụ TikTok Shop đã vượt 2,5 tỷ USD tại thị trường Indonesia vào năm ngoái và đạt mốc 1 tỷ USD chỉ trong ba tháng đầu năm nay, theo Công ty nghiên cứu thương mại điện tử Cube Asia.
ByteDance – công ty mẹ của Tiktok, được thành lập hơn một thập kỷ trước bởi Zhang Yiming và Liang Rubo, đã phát triển thành một đế chế Internet trị giá 200 tỷ USD nhờ mức độ phổ biến của các nền tảng video ngắn TikTok và Douyin.
Ra mắt năm 2021, TikTok Shop nhanh chóng nhận được sự chú ý nhờ thuật toán lan truyền và giữ chân người dùng của Tiktok khiến ngày càng nhiều người bị cuốn vào các video và những livestream.
Theo Bloomberg, ứng dụng này đặt cược nhiều nhất vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Indonesia – nơi những người có ảnh hưởng (idol) trên nền tảng bán mọi thứ từ quần áo đến son môi trong các buổi livestream.
Sự thúc đẩy của TikTok vào thương mại điện tử đang tạo ra thách thức ngày càng lớn đối với các đối thủ, bao gồm Amazon và Shopee. Gã khổng lồ của Trung Quốc đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần quy mô kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu lên tới 20 tỷ USD giá trị hàng hóa giao dịch trong năm nay, khi định hướng mở rộng sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Mặc dù hoạt động mua sắm trực tiếp chưa được phổ biến tại Mỹ và châu Âu bất chấp những nỗ lực của Instagram và những công ty khác, TikTok đang đặt cược vào sự thành công của Douyin, một phiên bản tiếng Trung của TikTok đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc.
Minh Sơn (theo Bloomberg)