Một trong những nội dung công kích nhau giữa các nhóm hâm mộ idol mạng xã hội.
“Già không thương”
TikTok tỏ ra “vượt trội” hơn hẳn các mạng xã hội trước đó vì “chiều lòng” người dùng. Người dùng cao tuổi hay ở độ tuổi thiếu nhi, nền tảng mạng xã hội này đều có gợi ý nội dung.
“Ông ngoại xi…” là một trong những tài khoản được tìm kiếm nhiều trên TikTok. Các clip do tài khoản này đăng tải rất nhảm nhí, không mang tính giáo dục: Khi thì cụ ông nhân vật chính trong clip đầu tóc bạc phơ mặc quần áo ở nhà nhảy trên nền nhạc đệm; khi lại diễn lại 1 xu hướng đang nổi trên mạng xã hội cùng lời khẳng định “trend nào ông ngoại Xi… cũng chiến hết, không nói nhiều”.
Trên nền tảng này, nhiều cụ già cũng là nhân vật chính để chủ tài khoản TikTok “giật follow”, trong đó có cụ già gần 100 tuổi, xuất hiện trong các clip chửi bới mua vui cho người xem; có clip lại gợi ý cụ già kể chuyện thời trẻ để gây cười một cách nhạt nhẽo, vô vị.
Việc sử dụng các nhân vật đã cao tuổi trong clip không có gì mới nhưng đặt trong nền nhạc trẻ và nhảy nhót cùng biểu cảm nhí nhố lại không phù hợp.
Đáng chú ý, dù người sáng tạo nội dung rất lớn tuổi nhưng người xem lại là bất kỳ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Thế nên nhiều nội dung phản cảm, không mang tính xây dựng hay giáo dục xuất hiện tràn lan.
Chửi bới, giương oai trên TikTok
Chưa có nền tảng mạng xã hội nào mà các idol (thần tượng) trên mạng xã hội lại công khai chửi bới, tẩy chay (anti fan) nhau công khai, trực tiếp như trên TikTok. Không cần phải nói giảm, nói tránh, các hội nhóm dùng lời lẽ bậy bạ hoặc ám chỉ để “hạ bệ” nhau.
Có thể kể đến nhóm tự xưng là người hâm mộ (fan) của Ngọc Matcha đăng clip kêu gọi tẩy chay nhóm nhạc Blackpink; nhóm Hero team cũng đối đầu với BTS và Blackpink. Lời bài hát lồng ghép vào clip này bị xuyên tạc thành “Thế giới này là của bố mày”. Tương tự, nhóm tự xưng là fan của Gãy Media cũng công kích Hero team…
Có tài khoản lên tiếng thách thức người hâm mộ của idol khác như: “Đã không tử tế được thì cút mẹ đi, đừng để bố mày phải tẩy chay mày khỏi xã hội loài người”.
Không hiểu mục đích thực sự của những clip này là gì nhưng nhiều khả năng, đây là cuộc chiến giành người hâm mộ, tranh đua số lượng người follow (theo dõi) để trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, từ đó họ trở nên nổi tiếng hơn và kiếm tiền được nhiều hơn từ mạng xã hội.
Tương tự, những người tự xưng là giang hồ mạng cũng vừa lộ diện, vừa lên tiếng giương oai trên TikTok để khoe mẽ, thách thức các hội nhóm khác. Những nội dung này không có bất kỳ biện pháp hạn chế nào đối với người xem. Người dùng chỉ cần nhấn vào ô tìm kiếm, hàng loạt clip tương tự sẽ hiện ra.
Nội dung ghê rợn nhưng kích thích sự tò mò của trẻ em tràn lan trên TikTok.
Tràn ngập nội dung độc hại với trẻ em
Mặc dù TikTok đã tăng cường tính năng an toàn và quyền riêng tư cho thanh thiếu niên và nền tảng này giới hạn độ tuổi sử dụng là 13 nhưng trên thực tế, TikTok không có biện pháp ngăn chặn người dưới độ tuổi quy định xem video.
Không cần phải chứng minh đủ 13 tuổi, người dùng vẫn có thể xem được các video đăng công khai trên nền tảng này. Các video đăng ở chế độ công khai hiển thị toàn bộ nội dung công khai của người dùng trên toàn thế giới. Mặt khác, nền tảng này không gắn nhãn nội dung hạn chế trẻ em.
Một người dùng TikTok 10 tuổi cho biết: “Khi thiết lập tài khoản vào năm ngoái, người dùng khai sinh năm 2012 (tức là 10 tuổi) là thiết lập thành công, còn năm 2013 thì bị giới hạn. Tuy nhiên, nếu người dùng khi thiết lập dùng email xác nhận hoặc đăng nhập bằng Facebook sẽ không bị giới hạn tuổi”.
Người xem rất dễ dàng để thấy các clip nhảy nhót uốn éo, nói nhép bậy bạ được đăng tải bởi người dùng còn nhỏ tuổi, thậm chí ở độ tuổi thiếu nhi.
Cũng theo người dùng này, các nội dung trên xu hướng (trend) được người dùng trẻ em theo dõi nhiều là tài khoản: Trần Quang H. Trong đó, có clip chủ tài khoản đăng tải dụ bé My (1 nhân vật trong clip ở độ tuổi trẻ em) hút pod (1 dòng thuốc lá điện tử); khuyến khích bé My nhuộm tóc…
Một số tài khoản khác như: Go with Ha… lại “truyền đạt kinh nghiệm” bỏ nhà đi bụi khi ở độ tuổi nhỏ cần mang theo những gì? Tài khoản Đào Xuân M. lại tuyên truyền cho lối sống lệch lạc của giới trẻ khi đăng tải các nội dung liên quan đến giới tính như: “LGBT không được bố mẹ chấp nhận và hành trình bỏ nhà đi sống tự lập như thế nào”? “13 tuổi bỏ nhà ra đi sẽ như thế nào”?…
Bên cạnh đó, các nội dung về ma quỷ, mê tín dị đoan như: những điều tránh làm ban đêm để không gặp ma quỷ; Con tôi bị quỷ bắt; clip lên đồng… cũng được rất nhiều trẻ em tò mò vào xem.
Một số người dùng trẻ em khác cũng tin vào câu chuyện của tài khoản Phan Duy M (A2) khi nam nhân vật trong các clip thường xuyên khoe hàng đống tiền xếp trước mặt và hứa sẽ cho một người theo dõi nào đó.
Vì chưa có nhận thức đầy đủ nên nhiều trẻ em tin và làm theo dù thông tin chưa được kiểm chứng . Những clip cổ súy “cái tôi” của cá nhân nên được nhiều người dùng là trẻ em rất hưởng ứng, làm theo, khiến suy nghĩ và hành động của nhiều em nhỏ lệch lạc.
Chị Hoàng Minh Anh (phụ huynh có con chơi TikTok) cho biết: “TikTok khiến con tôi đam mê, không muốn trò chuyện cùng người nhà mà luôn tranh thủ mọi cơ hội để đăng nhập vào mạng xã hội này.
Cháu thường xuyên tiếp xúc các nội dung tiêu cực, ghê rợn. Nhiều hôm cháu nói vanh vách về sự lệch lạc giới tính, về việc bỏ nhà ra đi hay cháu sợ sệt, không dám ở nhà 1 mình, luôn nghĩ trong nhà mình có ma. Bố mẹ, người lớn giải thích con lại không tin. TikTok thực sự nguy hại với trẻ em”!
Chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn- Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết, nhiều em nhỏ chưa có tài khoản TikTok cũng tranh thủ xem từ tài khoản của người lớn. “Nguy cơ xấu độc với trẻ em là rất cao”- ông Vũ Ngọc Sơn nói.
Nguồn anninhthudo