Các cuộc thảo luận về bức thư ra đời cách đây 20 năm đã lan truyền trên nền tảng video ngắn TikTok trong tuần này, với một số người dùng ở phương Tây ca ngợi nội dung của nó, trong bối cảnh xung đột Hamas-Israel đã gây ra chia rẽ trên toàn cầu.
Bức thư được viết sau vụ tấn công của al-Qaeda ở Mỹ vào ngày 11.9.2001, khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Trong thư, bin Laden chỉ trích việc Mỹ hậu thuẫn Israel, cáo buộc Washington tài trợ cho nỗ lực “đàn áp” người Palestine, và có nhiều lời lẽ bài Do Thái.
Bin Laden bị lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ tiêu diệt vào năm 2011 tại Pakistan.
“Nội dung quảng bá bức thư này rõ ràng vi phạm các quy tắc của chúng tôi về việc hỗ trợ bất kỳ hình thức khủng bố nào”, TikTok cho biết trong một tuyên bố hôm 16.11, theo Reuters. Theo tuyên bố, các tường thuật cho rằng nội dung liên quan đến bức thư đang “trending” (được xem và thảo luận nhiều) trên nền tảng này là không chính xác.
Việc tìm kiếm “Thư gửi nước Mỹ” trên TikTok trong ngày 16.11 đã không cho ra kết quả, kèm theo thông báo rằng cụm từ này có thể liên quan đến “nội dung vi phạm quy tắc của chúng tôi”.
Một số nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi cấm ứng dụng vốn thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc và tiếp tục chỉ trích TikTok trước thông báo của công ty hôm 16.11.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Josh Gottheimer cho biết trên X (Twitter trước đây) rằng TikTok đang “thúc đẩy tuyên truyền ủng hộ khủng bố để gây ảnh hưởng đến người Mỹ”.
“Không bao giờ có lời biện minh nào cho việc truyền bá những lời dối trá đáng ghê tởm, xấu xa và mang tính bài Do Thái mà thủ lĩnh của al-Qaeda đã đưa ra ngay sau khi thực hiện vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ”, người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates cho biết trong một tuyên bố hôm 16.11.
Hôm 15.11, báo The Guardian của Anh đã gỡ bỏ toàn bộ nội dung bức thư của bin Laden được xuất bản vào năm 2002. Tờ báo cho rằng bức thư đang được chia sẻ trên mạng xã hội mà không có ngữ cảnh đầy đủ, và họ sẽ điều hướng người đọc đến bài báo đưa tin ban đầu về bức thư.
TikTok trước đây cho biết thuật toán đề xuất của họ không đưa một số nội dung nhất định đến người dùng và công ty đã xóa hàng trăm nghìn video kể từ ngày 7.10 vì vi phạm chính sách chống thông tin sai lệch và cổ vũ bạo lực.