Doanh thu giảm hơn 50%
9h, khu vực quanh chợ vải Soái Kình Lâm – chợ đầu mối vải lớn nhất TPHCM – ở quận 5 (TPHCM) tấp nập người qua lại. Ai nấy đều đang vội vã chở những chuyến hàng dịp cuối năm để kiếm “ba cọc ba đồng” để ăn Tết.
Thế nhưng, càng đi sâu vào trong khu chợ, người ta càng thấy một khung cảnh đìu hiu, đối lập hẳn với cảnh nhộn nhịp bên ngoài. Ở lối vào khu chợ, hình ảnh hàng chục tiểu thương buồn bã, ngồi xem điện thoại… cho đỡ chán.
“Tôi bán ở đây từ năm 1989, khi chợ vừa mới thành lập, nhưng tôi chưa từng chứng kiến cảnh ế ẩm như bây giờ. Bạn hàng quen ít ghé vào, khi nào cần hàng thì mới gọi nhưng giờ hiếm thấy họ gọi. Dù có đặt mua, họ cũng mua số lượng ít vì năm nay kinh tế khó khăn, các mối họ cũng không bán được”, bà Hoa Dũng (60 tuổi), chủ sạp tại chợ cho hay.
Theo bà Hoa Dũng, tình hình kinh doanh khó khăn diễn ra từ sau giai đoạn Covid-19. Khách của bà thay vì đặt hàng liên tục như trước, nay phải cách 2-3 tháng thì mới đặt hàng một lần.
“Doanh thu ở sạp tôi giảm hơn 50%. Trước đây, doanh thu mỗi ngày 50 triệu đồng là chuyện bình thường. Nhưng hiện tại thì hoàn toàn không có”, vị tiểu thương bộc bạch.
Chỉ tay về phía các dãy sạp, bà Hoa Dũng chua chát, nói: “Mấy năm trước, đặc biệt là dịp cận Tết, người mua chật kín đường, muốn vào bên trong thì phải chen lấn. Còn bây giờ thì không có ai, chợ đầu mối mà toàn là người bán, không thấy người mua!”.
Tại đây, một vài sạp đã đóng cửa do tiểu thương mang hàng về nhà bán, tiết kiệm chi phí.
“Ế lắm! Giờ đường vào chợ trống tới nỗi tiểu thương… chơi đá bóng ở đây còn được”, chị Kiều, chủ sạp hàng nói nửa thật, nửa đùa.
Khi tiểu thương kinh doanh ế ẩm, thu nhập những người làm công việc chở hàng cũng bị ảnh hưởng. Anh T. (50 tuổi) làm người chở hàng tự do ở chợ đã nhiều năm cho hay: “Lúc chợ còn đông, mỗi ngày tôi có thể kiếm được 400.000-500.000 đồng. Nhưng nay thì ít lắm, thậm chí có ngày không có ai gọi tôi sang chở hàng. Đáng lẽ Tết thì phải đông, nhưng sao năm nay vắng quá!”.
Không trụ nổi
Bà Hoa Dũng có 2 sạp và 1 kho hàng. Để duy trì việc kinh doanh, hằng tháng bà phải “gồng” chi phí thuê sạp, kho, tiền thuê 2 nhân viên, thuế,… từ 30 đến 40 triệu đồng.
“Là chợ đầu mối nên chúng tôi chủ yếu bán “gối đầu” cho mối quen. Nghĩa là trong năm khách cứ đặt hàng, đến cuối năm lại chốt sổ để trả một lần. May mắn thì họ trả hết, mình có tiền ăn Tết, còn không thì… hẻo luôn”, bà Hoa Dũng trải lòng.
Trước cảnh buôn bán đìu hiu, vị tiểu thương chuyển từ bán sỉ, số lượng lớn sang bán lẻ, “ai mua bao nhiêu cũng bán”. Những tiểu thương như bà Hoa Dũng cũng tự nấu ăn ở nhà để mang theo, nhằm tiết kiệm chi phí.
“Giờ vớt được bao nhiêu thì vớt, cố bám trụ cho qua giai đoạn này thôi. Những hộ kinh doanh ở đây đa phần đã bán rất lâu năm, xem công việc này là nguồn thu chính cho cả nhà. Ai có gia đình chỉ 2-3 người thì còn trụ được, chứ đông hơn thì chỉ có đóng sạp, chuyển nghề khác”, vị tiểu thương thở dài, nói.
Cách đó không xa, bà Tám Tơ, tiểu thương kinh doanh 30 năm tại chợ, cũng ngán ngẩm lắc đầu khi doanh thu giảm sâu. Mỗi ngày trôi qua, các chi phí để duy trì tiệm vải càng đè nặng lên đôi vai của vị tiểu thương.
“Khách nằm ở nhà, cứ lướt điện thoại thấy hàng nào ưng ý thì đặt giao tận tay nên đâu có ai thèm ra chợ nữa. Chúng tôi còn phải cạnh tranh với người bán hàng online (trực tuyến). Trong khi họ chẳng phải gồng gánh nhiều chi phí như chúng tôi”, bà Tám Tơ thẳng thắn, nói.
Với mức phí phải trả hằng tháng lên đến 30 triệu đồng, vị tiểu thương cho hay, có khả năng bà không thể trụ nổi vào năm sau. Bản thân bà cũng không biết nên thay đổi mô hình kinh doanh hay chuyển hẳn sang một nghề khác.
“Chúng tôi ở đây đều đã lớn tuổi cả rồi, vốn quen với kiểu bán truyền thống. Bây giờ lên mạng, livestream (phát trực tiếp), ca hát rồi cười nói trên đó thì tôi tài nào làm được. Tôi chỉ có thể chờ kinh tế phục hồi trở lại, ít nhất là sang năm sau rồi tính tiếp”, bà Tám Tơ chia sẻ.
Ở khu vực mặt tiền của khu chợ, chỉ có vài cửa hàng có khách, tiểu thương may mắn “được” bận rộn. Nhiều cửa hàng còn lại mặc dù cùng nằm ở vị trí mặt tiền đường Trần Hưng Đạo B, Đỗ Ngọc Thạch nhưng người bán chỉ ngồi “ngáp”, ngóng người mua.
Chợ Soái Kình Lâm hình thành từ năm 1989 khi UBND quận 5 quy hoạch lại ngành hàng vải sợi và di dời tiểu thương về thương xá Đồng Khánh. Từ năm 1989 đến 1995, chợ phát triển mạnh với gần 1.000 sạp chi phối nguồn hàng vải sợi đi khắp cả nước. Hiện nay, chợ chỉ còn khoảng vài sạp buôn bán.
Vải ở Soái Kình Lâm có nhiều nguồn gốc: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, giá dao động từ 100.000 đồng cho đến hàng triệu đồng/mét, tùy theo chất lượng, nguồn gốc vải.
Bình Minh