Một tháng chỉ có hai, ba ngày mở hàng
Bà Lâm là tiểu thương cao tuổi nhất chợ Mơ (Hà Nội), hằng ngày cố bám trụ với công việc buôn bán.
Ở tuổi ngoài 80, bà Lâm vẫn duy trì đều đặn công việc của mình – đi bộ từ nhà riêng đến chợ, một mình dọn hàng vào lúc 8 giờ sáng và ra về vào 5 rưỡi chiều. Nhưng khi tình hình buôn bán chung của chợ dần đi xuống, lượt khách đến mua hàng ở quầy của bà cũng thưa dần, lâm vào cảnh ế ẩm.
Nói với phóng viên, bà Lâm than thở: “Ế lắm, nói chung là khó khăn. Mỗi sáng tôi dọn hàng ra rồi cứ nằm đó thôi, đọc kinh rồi nghe đài cho hết ngày, chẳng có ai mua hay hỏi thăm.
Một tháng, chỉ được vài người hỏi hàng. Tiền bán được một tháng chẳng đủ để tôi đóng tiền thuế, tiền điện, tiền vệ sinh,… cho ban quản lý chợ. Hàng nhập về không bán được, bao nhiêu năm rồi vẫn hàng đấy, mẫu đấy, bán chẳng ai mua”.
Trước đây, bà Lâm kể, khi chợ Mơ chưa được xây mới, tình hình buôn bán rất khả quan, nguồn thu về đều đặn, đủ để bà trang trải sinh hoạt. Nhưng từ năm 2009, khi chợ được quy hoạch và trùng tu, chợ chuyển xuống tầng hầm của một khu trung tâm thương mại, công việc buôn bán của các tiểu thương dần chững lại. Đặc biệt, sau 2 năm dịch bệnh cùng với sự phát triển của các hình thức mua bán online, người mua hàng dường như chẳng còn đặt chân đến các gian chợ truyền thống, đến những sạp hàng như của bà Lâm hay hàng trăm tiểu thương khác.
“Trước đây, chợ có đến 1.300 hộ nhưng giờ chỉ còn 300 hộ, 10 quầy thì đóng cửa hết 8. Chợ vắng cả người bán lần người mua, đến nỗi một hộ phải dàn ra ngồi đến 4,5 quầy, sao cho nhìn đỡ trống trải” – bà Lâm chia sẻ.
Bám chợ là cách cuối cùng
Trong hoàn cảnh buôn bán khó khăn, nhiều tiểu thương đã phải chọn cách từ bỏ công việc buôn bán, đóng cửa sạp vì ế ẩm kéo dài. Những tiểu thương lớn tuổi như bà Lâm thì không có lựa chọn nào khác ngoài cách bám trụ ở chợ, vì tuổi cao sức yếu, không thể kiếm việc làm mới, càng khó tiếp cận với các cách bán hàng hiện đại để đến gần hơn với người tiêu dùng. Hàng tháng, sạp hàng của bà dường như buôn bán không có lãi. Với bà Lâm bây giờ, ra chợ chỉ còn là niềm vui, để tuổi già đỡ trống trải, cô đơn.
Cùng tình cảnh với bà Lâm, bà Thân (80 tuổi, tiểu thương), buôn bán hàng mũ, len ở chợ Mơ đã gần 40 năm, cũng phải lắc đầu ngao ngán trước tình hình chợ vài năm trở lại đây.
“Có ngày tôi chẳng bán được đồng nào. Ngày nào may mắn thì được vài trăm, nhưng vẫn là không đủ để bù vào hơn 2 triệu tiền phí phải đóng mỗi tháng. Tôi thấy bán hàng bây giờ còn không bằng đi làm công. Nhưng tôi già rồi, chẳng biết làm gì khác, đành chịu cảnh vậy thôi, được đến đâu hay đến đó” – bà Thân chia sẻ.
Tại các chợ truyền thống, nhiều người là lao động tự do, không có thu nhập, hoặc người cao tuổi không có lương hưu.
Bà Lâm cho biết, bà không muốn phụ thuộc vào con cái, ở tuổi gần đất xa trời, làm được gì thì bà cố gắng làm.
Ông Đỗ Văn Sinh (65 tuổi, tiểu thương ở chợ Mơ) cho biết, dù có lương hưu nhưng thu nhập ít ỏi, con cái không thể dựa dẫm nên ông quyết định đăng ký gian hàng bán ở chợ.
“Mình về hưu nhưng vẫn có sức lao động. Những tưởng ra chợ bán hàng thì cũng kiếm đồng ra đồng vào nhưng ai ngờ chợ ế ẩm quá. Tôi không biết duy trì được bao lâu” – ông Sinh chia sẻ.
Dù vậy, nhưng ông Sinh cũng giãi bày rằng ngoài bán hàng sức khoẻ của ông không đủ điều kiện làm các công việc khác.
“Bạn bè tôi cũng khuyên đi làm bảo vệ, nhưng xương khớp tôi không tốt, mắt lại kém nên gần như không đáp ứng đủ điều kiện của các công ty bảo vệ” – ông Sinh chia sẻ. Đối với ông, bám chợ là hi vọng cuối cùng.