Tiêu thụ tôm Sao Ta cao nhất từ đầu năm
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 7/2024. Theo đó, doanh số trong tháng này của công ty đạt 31,25 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng có doanh số cao nhất từ đầu năm đến nay.
Tính riêng tháng 7, sản xuất tôm thành phẩm của Sao Ta đạt 4.098 tấn, tăng 75%; tiêu thụ tôm thành phẩm 2.713 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Về nông sản, sản xuất giảm 70% đạt 20 tấn; tiêu thụ đạt 147 tấn, giảm 22% so với tháng 7/2023.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay, doanh số tiêu thụ của công ty ước đạt 126,25 triệu USD.
Sao Ta cho biết trong 7 tháng đầu năm, sản lượng tôm chế biến và tiêu thụ tăng nhờ một phần vào tôm tự nuôi và hợp đồng tiêu thụ ổn định. Doanh số tăng thấp hơn sản lượng tiêu thụ do cỡ tôm nhỏ hơn và đơn giá có giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về nuôi trồng, Sao Ta cho biết vùng nuôi, vụ chính đang trong tiến trình thu hoạch tỉa và kéo dài hết tháng 8, sau đó công ty sẽ thả nuôi vụ tiếp theo. Sao Ta đánh giá vụ này năng suất tốt nhưng giá tôm thương phẩm thấp.
Tính đến tháng 7, tôm nuôi ở trang trại mới đã thu hoạch xong và đang thu hoạch ở trang trại cũ, dự kiến giữa tháng 9 hoàn tất. Theo kế hoạch, tôm sẽ được thả nuôi vụ tiếp theo trong quý IV khi thời tiết bớt mưa nhằm giảm rủi ro.
Chủ động trước khó khăn, Sao Ta phấn đấu vượt đích…
Năm 2024, Thực phẩm Sao Ta cũng xác định đây sẽ là một năm khó khăn tiếp theo của ngành tôm. Trước tình hình này, bên cạnh tập trung vào các thị trường quan trọng, Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm tôm chế biến sâu.
Thực phẩm Sao Ta xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.187 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 5% so với mức thực hiện của năm 2023. Sản lượng tôm chế biến năm 2024 của doanh nghiệp dự kiến đạt 22.300 tấn, tăng 5,2% so với mức 21.198 tấn ghi nhận năm trước.
Đối mặt với rất nhiều khó khăn, Sao Ta khẳng định vẫn luôn chủ động có chiến lược cho riêng mình. Ví dụ như thị trường Mỹ tuy có sức tiêu thụ lớn, nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh. Do đó, Sao Ta dự kiến giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này, tập trung cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Ngoài ra, Sao Ta sẽ chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch, để bán được giá tốt hơn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, khi chia sẻ với cổ đông về vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ thị trường Mỹ, lãnh đạo Sao Ta đánh giá đây là vấn đề phức tạp và chưa có tiền lệ. Do đó, “trước mắt công ty sẽ tập trung bán vào Mỹ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt”.
Theo lãnh đạo Sao Ta, mức thuế chống trợ cấp của Mỹ đối với tôm Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác, tuy nhiên đây mức là mức công bố sợ bộ, mức thuế cuối cùng dự kiến chốt vào tháng 8-9/2024. Nếu mức thuế chống trợ cấp cuối cùng của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác thì đây là lợi thế cho tôm Việt.
Đối tượng đánh thuế chống trợ cấp cũng tương tự như hoạt động chống bán phá giá, trong đó tôm tẩm bột và tôm chiên không bị áp thuế.
Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết đã triển khai chuẩn bị tài liệu tốt nhất giải trình cho phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nếu bị yêu cầu.
Nguồn: https://danviet.vn/tieu-thu-tom-sao-ta-cao-ky-luc-7-thang-dau-nam-doanh-so-dat-hon-31-trieu-usd-20240803094514091.htm