Sản lượng bán hàng thép xây dựng đạt hơn 958.500 tấn vào tháng 9, lần đầu tăng trưởng dương và đạt mức cao nhất từ đầu năm.
Số liệu trên vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố. Mức này tăng 9% so với tháng 8 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên, bán hàng thép xây dựng tăng trưởng dương trong năm nay và đạt mức cao nhất 9 tháng qua.
Nhu cầu thị trường cải thiện cũng được phản ánh trong tình hình kinh doanh của các công ty. Doanh nghiệp đầu ngành Hòa Phát ghi nhận sản lượng bán hàng cao nhất từ đầu năm. Cụ thể, bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước. Riêng thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8.
Tương tự, toàn hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cũng đạt sản lượng bán hàng cao nhất từ đầu năm trong tháng 9. Trên 268.000 tấn thép của hệ thống này đã được tiêu thụ, tăng 8% so với tháng trước và tăng 9% so cùng kỳ.
Theo VSA, sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và một số dự án khác.
Còn các nhà bán lẻ cho rằng, giá thép đứng yên cũng là một yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ. Sau 18 lần giảm liên tiếp từ tháng 4, giá thép đã có hơn một tháng bất động kể từ đầu tháng 9. Thép CB240 được Hòa Phát niêm yết tại thị trường miền Bắc với giá 13,43 triệu đồng một tấn. Thép D10 CB300 là 13,74 triệu đồng một tấn. Đây là mức giá thấp nhất kể từ năm 2020.
Tuy nhiên VSA đánh giá, nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nhìn chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều. Lũy kế 9 tháng, bán hàng thép xây dựng đạt hơn 7,7 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, xuất khẩu giảm gần 13%.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSC) dự báo giá thép có thể tiếp tục duy trì ở mức nền thấp đến cuối năm. Tuy nhiên giá bán khó có thể giảm sâu hơn nữa do hàng tồn kho thép của Trung Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam đã tiệm cận với mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.
Mặc dù chưa có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, diễn biến thị trường thép nội địa đang dần cho thấy những tín hiệu khả quan hơn. KBSC kỳ vọng rằng, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có thể bắt đầu duy trì tích cực kể từ đầu năm 2024 nhờ: mặt bằng lãi suất tương đối thấp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh; mức nền thấp của giá thép kích thích nhu cầu tiêu thụ; các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng; tiềm năng từ thị trường xuất khẩu.
Tất Đạt