Tiêu thụ điện miền Bắc tăng hơn 31 triệu kWh/ngày
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), tuần từ ngày 22 – 28.4, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng trên khắp 3 miền đất nước khiến nhu cầu tiêu thụ điện tăng ở mức cao với sản lượng trung bình ngày là 946,6 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 65,4 triệu kWh.
Trong đó, miền Bắc có phụ tải bình quân tăng hơn 31,7 triệu kWh/ngày so với tuần trước. Trong tuần, nhiều kỷ lục mới về công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ ngày đã được thiết lập. Cụ thể, lúc 13 giờ 30 ngày 27.4, công suất cực đại toàn quốc lên tới 47.670 MW; sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc ngày 26.4 lên tới 993,9 triệu kWh.
Tại miền Bắc, từ ngày 26.4, nắng nóng xuất hiện diện rộng khiến sản lượng tiêu thụ điện tăng mạnh. Trong ngày 27.4, tiêu thụ điện miền Bắc đạt sản lượng lớn nhất 457,4 triệu kWh, tăng 43 triệu kWh so với ngày lớn nhất tuần trước.
Trước tình hình nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc tăng cao, để đảm bảo cung ứng điện và tiết kiệm thủy điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) phải khởi động tổ máy 2 Nhiệt điện Ô Môn ngày 27.4; huy động các nhà máy: Phú Mỹ 4, Phú Mỹ 21 chạy LNG; phối hợp Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC) yêu cầu thủy điện nhỏ phát hỗ trợ cao điểm phụ tải.
A0 cũng yêu cầu các hồ thủy điện giữ nước tối đa dưới 2 ngày trong các thời điểm phụ tải thấp và tập trung phát vào cao điểm hệ thống; cập nhật giới hạn truyền tải Nho Quan – Nghi Sơn lên 2.450 MW, cao hơn 100 MW so với tuần trước.
Cũng theo Cục Điều tiết điện lực, tính từ đầu năm đến nay, phụ tải quốc gia tăng trưởng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 11,3%, miền Trung tăng 8,5%, miền Nam tăng 11,7% nhưng cung ứng điện tuần qua vẫn tiếp tục được đảm bảo tốt.
Giữ nhiệt điện than ổn định, đảm bảo cung ứng điện
Chia sẻ với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết, để đảm bảo cung ứng điện trong tuần tới, thủy điện được ưu tiên dành nguồn nước dự phòng tối đa để phát điện trong thời gian cao điểm. Các hồ thủy điện được vận hành để giữ cao mức nước ở miền Bắc (tối thiểu duy trì được cột nước tính toán đến 1.7) nhằm hạn chế suy giảm công suất do cột áp và nâng cao công suất khả dụng cho hệ thống điện miền Bắc; chấp nhận nguy cơ xả tràn trong trường hợp lũ về bất chợt.
Đối với nhiệt điện than, các nhà máy phải bám sát kế hoạch sửa chữa thiết bị; không thực hiện sửa chữa các tổ máy miền Bắc trong cao điểm nắng nóng từ tháng 4 – 7. Trong trường hợp diễn biến thủy văn bất thường theo chiều hướng xấu cho phép lùi hoãn các kế hoạch sửa chữa tổ máy nhiệt điện than để tăng khả dụng cho hệ thống điện; khẩn trương khắc phục và đưa vào vận hành trở lại các tổ máy bị sự cố tổ máy S1 Nhiệt điện Mông Dương 2; tổ máy S2 Nhiệt điện Hải Dương…
Bên cạnh đó, các nhà máy điện có khả năng chạy dầu đảm bảo nguồn nhiên liệu (dầu FO/DO) để sẵn sàng huy động đáp ứng phụ tải đỉnh cũng như bù đắp sản lượng điện năng trong trường hợp xảy ra sự cố xếp chồng các tổ máy lớn trên hệ thống. Các tổng công ty điện lực dự báo chính xác về công suất phụ tải cực đại, công bố rõ khả năng thực hiện điều chỉnh phụ tải điện (DR) và khả năng huy động nguồn diesel mượn của khách hàng để A0 cập nhật tính toán lập kế hoạch vận hành.
Cũng theo Cục Điều tiết điện lực, trong các tháng cao điểm mùa khô (từ tháng 4 – tháng 7), nguồn nhiệt điện than dự kiến có tổng sản lượng huy động chiếm 52 – 60% tổng sản lượng hệ thống điện quốc gia. Theo đó, chủ đầu tư các nhà máy điện (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than tại miền Bắc) tiếp tục phải đảm bảo độ khả dụng sẵn sàng, độ tin cậy của các tổ máy và cả nhà máy, không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô; chuẩn bị đủ nhiên liệu cho phát điện theo nhu cầu huy động của hệ thống.
“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính quyết định đến khả năng đảm bảo cung cấp điện an toàn trong các tháng cao điểm mùa khô”, vị lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, nói.
Ngoài ra, Cục Điều tiết điện lực yêu cầu các đơn vị phát điện chủ động báo cáo, cung cấp thông tin khả thi, có tính chính xác về tình hình vận hành tổ máy, nguyên nhân sự cố, thời gian khắc phục, tồn kho than, dự kiến tiến độ và kế hoạch nhập than gửi A0; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà máy sẵn sàng phát điện nhưng thiếu nhiên liệu than không phát đủ công suất.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, kiên trì thực hiện chương trình điều hòa, điều tiết phụ tải nhằm đáp ứng công suất đỉnh hệ thống điện trên phạm vi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.