Theo thông báo của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), một tiểu hành tinh rất nhỏ đã đi vào bầu khí quyển Trái đất, nhưng không gây ra tác động đáng kể.
Theo ESA, tiểu hành tinh, được đặt tên là 2024 RW1, được nhà nghiên cứu công nghệ Jacqueline Fazekas và Đài quan sát Catalina đặt tại bang Arizona (Mỹ) phát hiện đêm 4-9 (giờ Việt Nam).
NASA cho biết tiểu hành tinh có đường kính khoảng 1m này đi vào khí quyển Trái đất và tạo ra một quả cầu lửa ngoài khơi bờ biển phía Đông của Philippines. Trong khi đó, ESA cho biết tiểu hành tinh đã đi vào vùng khí quyển Trái đất tại khu vực gần đảo Luzon của Philippines. Nhiều video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một quả cầu lửa màu xanh lá cây xuất hiện trên bầu trời của Philippines.
Bảo vệ Trái đất, bao gồm việc tìm kiếm các tiểu hành tinh gần Trái đất như 2024 RW1 và lập danh mục để theo dõi chúng, là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan vũ trụ trên thế giới. Năm 2022, tàu vũ trụ thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) của NASA đã đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos để thay đổi quỹ đạo bay của tiểu hành tinh này.
NASA hiện đang lên kế hoạch phát triển một kính viễn vọng hồng ngoại mới mang tên NEO Surveyor có nhiệm vụ “săn” các tiểu hành tinh, trong khi Trung Quốc chuẩn bị cho một sứ mệnh làm chệch hướng một tiểu hành tinh vào năm 2030.
MINH CHÂU
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tieu-hanh-tinh-bien-thanh-qua-cau-lua-khi-vao-khi-quyen-trai-dat-post757330.html