Các nhà khoa học phát hiện tiểu hành tinh 2023 FW13, đường kính khoảng 15 m, đã làm “hàng xóm” của Trái Đất hàng nghìn năm.
Mang tên 2023 FW13, tiểu hành tinh này thuộc loại “chuẩn mặt trăng” hay “chuẩn vệ tinh”, nghĩa là quay quanh Mặt Trời với khung thời gian tương tự Trái Đất, nhưng chỉ chịu tác động rất nhỏ từ lực hấp dẫn của Trái Đất, Live Science hôm 31/5 đưa tin.
Đường kính ước tính của 2023 FW13 là 15 m. Trong quỹ đạo quanh Mặt Trời, 2023 FW13 cũng quay quanh Trái Đất, tới cách hành tinh xanh khoảng 14 triệu km. Trong khi đó, Mặt Trăng có đường kính 3.474 km và cách Trái Đất gần nhất là 364.000 km, theo NASA.
Đài quan sát Pan-STARRS trên đỉnh núi lửa Haleakalā, Hawaii, lần đầu phát hiện 2023 FW13 vào tháng 3. Sự tồn tại của tiểu hành tinh này sau đó được Kính viễn vọng Canada – Pháp – Hawaii và hai đài quan sát ở Arizona xác nhận. Ngày 1/4, Trung tâm Hành tinh Nhỏ thuộc Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU), chính thức đưa tiểu hành tinh này vào danh sách.
Một số ước tính cho thấy 2023 FW13 làm “hàng xóm” của Trái Đất ít nhất từ năm 100 trước Công nguyên. Nó sẽ tiếp tục di chuyển theo quỹ đạo này đến khoảng năm 3700, theo nhà thiên văn Adrien Coffinet, người đầu tiên phân loại 2023 FW13 là chuẩn mặt trăng sau khi lập mô hình quỹ đạo của nó. “Có vẻ đây là chuẩn vệ tinh lâu đời nhất của Trái Đất được biết đến cho tới nay”, Coffinet nói.
Dù bay tương đối gần Trái Đất, chuẩn vệ tinh này nhiều khả năng sẽ không va chạm với hành tinh xanh. “Tin tốt là, một quỹ đạo như vậy không dẫn đến sự va chạm bất ngờ”, Alan Harris, nhà thiên văn tại Viện Khoa học Vũ trụ, cho biết.
2023 FW13 không phải là chuẩn vệ tinh duy nhất của Trái Đất. Một chuẩn vệ tinh khác, Kamo’oalewa, từng được phát hiện vào năm 2016. Tiểu hành tinh này cũng bay khá gần hành tinh xanh trong quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời. Nghiên cứu năm 2021 cho thấy nó có thể là một mảnh vỡ của Mặt Trăng.
Thu Thảo (Theo Space)