Đúng 6 giờ sáng, tiếng động cơ máy bay trực thăng xua tan màn sương, đưa các trinh sát viên xuyên qua những đám mây trên độ cao khoảng 800-1.200m bay một vòng sân bay Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Từ trên không trung, những đốm trắng xuất hiện ngày một to dần, bồng bềnh tạo thành những “bông hoa” kết chùm nở giữa bầu trời, từng bước hạ thấp độ cao và tiếp đất an toàn.
Lần đầu tiên tham gia nhảy dù, Trung úy Bùi Ngọc Việt Hòa, Chính trị viên phó Đại đội Trinh sát đặc nhiệm, Tiểu đoàn Trinh sát 32 không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, vừa hoàn thành nội dung trở về, anh tự tin kể về quá trình thực hiện: “Hôm nay tôi rất vui, thực hiện các động tác từ lúc rời cửa máy bay cho đến khi tiếp đất đều được xử trí linh hoạt, đúng với các bài tập được huấn luyện, kết quả đáp xuống cách tâm bãi khoảng 50m, đạt với yêu cầu của nội dung nhảy dù. Vạn sự khởi đầu nan, kết quả của lần nhảy này giúp tôi tự tin và không còn cảm giác lo lắng nữa, đó là tiền đề để những lần nhảy sau tôi sẽ thực hiện tốt hơn”.
Còn với Đại úy QNCN Nguyễn Văn Tuấn, Trinh sát viên Đại đội Trinh sát đặc nhiệm, có hơn 10 năm kinh nghiệm nhảy dù chia sẻ: Đối với động tác kỹ thuật rời cửa máy bay, yêu cầu đặt ra là động tác phải dứt khoát để không ảnh hưởng đến người nhảy sau và tránh va trang bị vào cửa máy bay. Sau khi ra khỏi máy bay từ 3 – 5 giây mới giật dù, tuyệt đối không được giật dù sớm hơn thời gian quy định, bởi vì dù bung quá sớm sẽ vướng vào càng máy bay. Khi ở trên không, phải hết sức linh hoạt, từ động tác rơi tự do, lựa chọn thời cơ giật dù, đến quan sát, điều khiển dù và tiếp đất. Ở động tác tiếp đất, yêu cầu đặt ra là người tập phải thực hiện đúng kỹ thuật “3 khép”, đó là khép hai mũi bàn chân, hai gót bàn chân và hai đầu gối, để khi tiếp đất sẽ chia đều lực cho hai chân. Nếu thực hiện không đúng kỹ thuật, một chân tiếp đất trước sẽ gây chấn thương.
Theo Thiếu tá Đoàn Xuân Hùng, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát 32, huấn luyện nhảy dù, là một nội dung huấn luyện khó, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ từ con người cho đến phương tiện. Khi ở trên không, quân nhân phải hoàn toàn độc lập về tư duy và thực hành động tác. Do vậy, trước khi thực hành nhảy dù, các quân nhân phải tham gia khóa huấn luyện trong thời gian 3 tuần, gồm huấn luyện lý thuyết và huấn luyện bổ trợ mặt đất. Trong huấn luyện lý thuyết nhảy dù, người học cần lưu ý phương pháp xử lý các tình huống bất trắc trong nhảy dù. Đó là các tình huống bất trắc ở trên không, bị dù lôi kéo khi tiếp đất gặp gió to, người nhảy rơi xuống nước, rừng cây, núi đồi, khu dân cư…
Sau khi nắm chắc các nội dung lý thuyết, các trinh sát viên bước vào luyện tập các nội dung bổ trợ mặt đất. Đầu tiên, các trinh sát viên phải nắm chắc thao tác gấp dù, nhằm phát hiện những sự cố như rách, đứt trên vòm dù, dây dù, các vết dầu, mỡ, nấm, mốc, han gỉ… làm giảm chất lượng của dù và bảo đảm an toàn tuyệt đối khi nhảy dù. Ở thao tác mang, đeo dù và trang bị, mỗi quân nhân khi nhảy dù phải đeo trên mình hai chiếc dù (chính và phụ). Dù chính nằm ở phía sau lưng, còn dù phụ ở phía trước bụng. Tùy theo nhiệm vụ mà khối lượng và số lượng vũ khí mang theo khác nhau, nhưng theo quy định toàn khối lượng: Cả người, dù và vũ khí không vượt quá 100kg…
Trực tiếp theo dõi bộ đội thực hành nhảy dù và đổ bộ đường không, Thượng tá Đỗ Tấn Phúc, Trưởng phòng Quân báo – Trinh sát Quân khu 5 cho biết: “Thực hành huấn luyện nhảy dù là nhiệm vụ hàng năm của Quân khu, để đảm bảo phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cao và xử lý các tình huống đặc biệt. Những năm qua, lực lượng trinh sát đặc nhiệm của quân khu luôn nhận được sự quan tâm của chỉ huy các cấp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên tổ chức luyện tập các phương án chiến đấu, rèn luyện thể lực, hành quân mang vác nặng, tập bơi lội, vượt vật cản để có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ, chịu được thời tiết khắc nghiệt và áp lực trên không”.
Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Trung đoàn 930, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn trinh sát 32 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Qua huấn luyện nhằm nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, bản lĩnh, ý chí quyết tâm chiến đấu, xử lý tốt các tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Bài và ảnh: LÊ TÂY