Bảo đảm tiết kiệm trong quản lý, mua sắm tài sản công
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Cụ thể, năm 2023 công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm. Tính đến ngày 31/12/2023, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, đã cập nhật 2,23 triệu tài sản với nguyên giá là 2,3 triệu tỷ đồng.
Công tác cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Lũy kế thanh toán từ đầu năm 2023 đến ngày 31/1/2024 là 661,7 nghìn tỷ đồng, đạt 80,75% kế hoạch (đạt 92,99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia.
Đối với công tác tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập. Số đối tượng tinh giản biên chế năm 2023 là 7.151 người; các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 30 văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính.
Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Năm 2023, đã thoái vốn Nhà nước tại 5 doanh nghiệp với giá trị 11,7 tỷ đồng, thu về 24 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Năm 2023, ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 257,7 nghìn tỷ đồng, 616 ha đất; kiến nghị thu hồi 188,6 nghìn tỷ đồng và 166 ha đất.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra các lĩnh vực trọng điểm
Cùng với những kết quả đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; việc cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; thủ tục hành chính một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập…
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để thực hiện: các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực, trong đó phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đề xuất sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan;
Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực: quản lý ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; công tác tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tiet-kiem-tong-so-83-nghin-ty-dong-nguon-kinh-phi-von-nha-nuoc.html