Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết, theo báo cáo của các địa phương, tính đến cuối tháng 5/2023, cả nước đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị thuộc giai đoạn 2021-2025 với quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn.
Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Cụ thể, Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.
Dự án chung cư nhà ở xã hội D7 – D10 (phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Theo ông Hoàng Hải, mặc dù các bộ, ngành địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng để thúc đẩy hoàn thành tốt mục tiêu Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” cần chú trọng việc hoàn thiện hành lang pháp lý.
Một trong những trọng tâm đặt ra là các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế; trong đó, tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội với những quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng…
Cùng đó là việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, lựa chọn chủ đầu tư, trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…; đồng thời có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phát triển.
Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Các bộ, ngành sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân – ông Hoàng Hải thông tin.
Ngoài ra, liên bộ, ngành cần chỉ đạo, phối hợp hướng dẫn các địa phương, tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên danh mục cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo an sinh, xã hội.
Mặt khác, tại các địa phương, đối với những dự án đang triển khai đầu tư xây dựng cần đôn đốc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của những dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho chủ đầu tư khác.
Đồng thời, các địa phương cần rà soát dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Riêng với những dự án triển khai trong giai đoạn tiếp theo, cần khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương; trong đó, làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Căn cứ chỉ tiêu được giao, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải triển khai lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 nhằm đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Các địa phương quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại những vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là những thành phố lớn. Ngoài ra, các địa phương cũng cần sớm lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
Việc rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội phải theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở. Địa phương cần yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất này theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.
Cùng với cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… , cần cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường…
Theo ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nhà nước cần phải tạo quỹ đất sạch cho các dự án phát triển nhà ở xã hội để sản phẩm có giá mua, thuê hoặc thuê mua thấp, phù hợp với khả năng tài chính của các đối tượng được thụ hưởng. Đặc biệt, việc bố trí quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội phải thuận lợi nhất để mọi thành phần đều có thể chủ động tham gia vào phân khúc này.
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách về nhà ở xã hội đã được ban hành như cho vay với lãi suất ưu đãi, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, các chính sách đưa ra chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho chủ đầu tư vừa có giá nhà hợp lý cho những người được hưởng thụ.
Theo Bộ Xây dựng, bản thân các địa phương cần chủ động rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết đối với những dự án còn gặp vướng mắc về pháp lý trong giai đoạn vừa qua nhằm giải phóng nguồn lực này; đặc biệt là các dự án đã có đất sạch, có thể chuyển sang giai đoạn xây dựng được ngay, tạo nguồn cung cho thị trường. Khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn cũng cần được tăng cường.
Đối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn, ngoài việc phát triển dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo an sinh, xã hội cũng như mục tiêu đề ra của Đề án.
Đáng chú ý, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần chủ động quan tâm xây dựng nhà lưu trú hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp thuê; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng hoặc gói tín dụng hỗ trợ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức