Sức khỏe doanh nghiệp đang giảm sút. Không chỉ ở số lượng các doanh nghiệp đóng cửa ngày càng tăng mà quan trọng hơn là mức độ giảm công suất, giảm vốn kinh doanh, thu hẹp sản xuất.
82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh. Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Kinh tế & Đô thị) |
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kiệt sức
Kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng, 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm nay.
Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Trong bức tranh “tối màu” này, mức độ đánh giá tiêu cực hơn cả là doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Qua khảo sát, Ban IV phân loại khó khăn của doanh nghiệp thành 4 nhóm. Đứng đầu là đơn hàng (59,2% doanh nghiệp gặp phải). Thứ hai là tiếp cận vốn vay (51,1%); kế tiếp thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); cuối cùng là nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).
Trên thực tế, khó khăn về kinh tế tại các thị trường lớn, truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhu cầu tiêu dùng chưa được phục hồi trong ngắn hạn, làm giảm sút, thậm chí đứt gãy các chuỗi cung ứng như các mặt hàng điện tử, dệt may, da giầy, khoáng sản, đồ gỗ… Chi phí đầu vào như nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường quốc tế tăng, doanh nghiệp kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để góp phần kiểm soát lạm phát và chỉ đạo hạ lãi suất điều hành, nhưng mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay kịp thời vẫn còn cao, các quy định tiếp cận vốn vẫn khó khăn, các gói hỗ trợ giải ngân chậm…
Trong khi tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp phải chờ hơn 2 năm vẫn chưa được hoàn thuế, khiến nguồn vốn lưu động bị ngừng trệ, doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Hàng loạt công ty ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn… cho biết cũng đang gặp khó khăn về dòng vốn vì chưa được hoàn thuế VAT, với số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Đáng nói dù vấn đề này đã kéo dài rất lâu và đã được hàng loạt hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được tháo gỡ.
Theo Bộ KH&ĐT, cả nước có 78.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước thì có tới 77.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1%. Số doanh nghiệp khó khăn, tạm ngừng kinh doanh dự kiến còn tiếp tục tăng.
Bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét tình hình đang khó khăn và quý II khó có đột phá về tăng trưởng. Việc suy giảm tốc độ tăng trưởng kéo dài sẽ trở thành tình thế rất nguy hiểm. Đây chính là điểm mà nỗ lực chính sách cần phải tập trung vào.
Liên quan vấn đề lãi suất, trong công điện chiều 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm cách giảm thêm lãi suất. Cơ quan này cũng phải rà soát lại các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng nhằm hướng đến các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi hơn; đồng thời tăng cường kiểm tra, không để xảy ra trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước gần đây thường xuyên tổ chức các cuộc họp với ngân hàng thương mại, yêu cầu những đơn vị neo lãi suất cao và chênh lệch lớn so với đầu vào có sự điều chỉnh, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Các ngân hàng thương mại dự kiến giảm 0,3-0,5% lãi suất cho vay với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ 29/5.
Tuy nhiên, bên cạnh việc doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn do sức khoẻ suy yếu, khó đáp ứng các điều kiện mà quan trọng là doanh nghiệp hiện không đủ năng lực để hấp thụ vốn. Do đó cần khôi phục lại điều kiện tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Các nhiệm vụ cấp bách được Chính phủ đề cập là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, với mục tiêu đạt tối thiểu 95% năm nay; thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản cũng là những ưu tiên trong điều hành của Chính phủ.
Việc giảm thuế VAT trong thời điểm hiện tại là cần thiết. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Văn Cường thay vì 6 tháng (đến cuối năm 2023), nếu kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến cuối năm 2024 đồng thời mở rộng đối tượng để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế.
Trong kiến nghị gửi Chính phủ, Ban IV còn đề xuất cần tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới. Có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng đối với các chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng các kênh thông tin phân tích, dự báo về các xu hướng kinh tế, kinh doanh quốc tế… , tăng cường xúc tiến thương mại, tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần sớm sửa những bất cập trong quy định kinh doanh xăng dầu, cơ chế giá điện.